Chiến hạm Potemkin - Một kiệt tác của điện ảnh Nga

Eisenstein (1898-1948) được suy tôn là một trong những nhà điện ảnh vĩ đại nhất thế giới với kiệt tác "Chiến hạm Potemkin" (1925). Bộ phim đã trải qua những năm tháng khắc nghiệt của lịch sử.

Chiến hạm Potemkin

Năm 1905 đánh dấu một trong những trang đen tối nhất của lịch sử nước Nga. Chính quyền Sa hoàng đàn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ mà đỉnh điểm là cuộc nổi dậy của thủy thủ tàu chiến hạm Potemkin. Lênin gọi đó là cuộc tập dượt vĩ đại cho Cách mạng Tháng Mười. Năm 1925, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chủ trương làm một số phim dài kỷ niệm cách mạng 1905, trong đó có hai kịch bản: Người mẹ giao cho Poudovkin và Năm 1905 giao cho Eisenstein. Ban đầu, kịch bản Năm 1905 bao gồm gần như toàn bộ cuộc cách mạng dân chủ tư sản với địa bàn rộng khắp lãnh thổ Nga. Việc quay phim đã bắt đầu ở Leningrad (nay là Saint Petersburg) nhưng do thời tiết xấu đột ngột, đoàn làm phim tạm nghỉ.

Theo lời khuyên của Giám đốc trường quay Leningrad, Eisenstein đi khảo sát một số địa điểm diễn ra chuyện phim và bất ngờ từ bỏ kịch bản Năm 1905. Ông chỉ tập trung vào một trang của kịch bản cũ, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp khốc liệt ở chiến hạm Potemkin gồm 5 cảnh. Dựa vào cốt truyện này, Eisenstein đã ứng tác, thay đổi "kịch bản một trang", hoàn thiện và nâng cao tính toàn mỹ cho bộ phim.

Dàn dựng

Chiến hạm Potemkin

Toàn bộ Chiến hạm Potemkin được quay trong bối cảnh tự nhiên. Eisenstein đã mời các diễn viên không chuyên vào vai. Trong toàn bộ sự thật lịch sử được tái tạo chính xác trong phim, Eisenstein cố tình đưa vào một "nhầm lẫn", miễn là nó biểu lộ sâu sắc nhất ý đồ nghệ thuật của ông. Thực tế, khi các thủy thủ nổi loạn, bị kết án tử hình, người ta cho họ đứng trên một tấm bạt để máu không làm bẩn sàn tàu. Trong phim, tấm bạt đó lại che trên đầu họ. Trong lịch sử cũng không có chuyện tàn sát trên cầu tàu mà ở trên bến tàu và các cửa ô thành phố Odessa. Eisenstei đã "sáng tác" ra cảnh này nhưng đã làm cho những người chuyên viết tiểu sử của ông về sau và chính các nhà sử học khẳng định đó là những sự kiện có thật.

Số phận

Bấm máy từ cuối tháng 7/1925 và kết thúc vào tháng 9 cùng năm. Ngày 21/12 năm đó, Chiến hạm Potemkin được chiếu ra mắt ở Nhà hát Bolsoi ở Mátxcơva. 16/1/1926, bộ phim chính thức phục vụ công chúng Nga. Hơn một năm sau, nó được chiếu và bị kiểm duyệt tại Đức. Sau đó, ra mắt công chúng Hà Lan, Mỹ… và được hoan nghênh. Tại Pháp, bất chấp lệnh cấm chính thức, các câu lạc bộ và các nhà điện ảnh vẫn tìm cách chiếu chui.

Chiến hạm Potemkin

Giới phê bình điện ảnh thế giới nhận định tác phẩm đã phản ánh đúng lịch sử, trong đó nổi lên khát vọng tự do, dân chủ và công bằng của nhân dân. Nó không có sự sáo mòn, giả tạo. Đó là một bi kịch cổ điển, không thuyết lý, không răn dạy, không giảng giải. Thời đó, trùm phát xít Paul Goebbels đã ra lệnh cho những người làm phim Đức: "Hãy làm cho ta một Potemkin!". Công chúng có thể khẳng định ngay rằng không ai có thể làm được một bộ phim như vậy. Năm 1941, trong khi di chuyển đến nơi an toàn, âm bản (phim câm) của bộ phim bị hỏng. Sau chiến tranh (1945), người ta tìm thấy bản sao của nó ở Berlin. Từ bản này, các nhà làm phim đã lồng tiếng và nhạc, chiếu khắp thế giới như hôm nay.

Lý do chính của việc cấm chiếu bộ phim này là Chiến hạm Potemkin tiêu biểu cho một thành tựu của Liên Xô - chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, giá trị nghệ thuật đã chiến thắng. Bộ phim vận dụng tối ưu những quy luật cơ bản của nghệ thuật thứ bảy cùng sự hoàn hảo trong tính kịch. Bên cạnh đó, những biến cố thăng trầm của tác phẩm đã góp phần tạo nên một bộ phim vĩ đại ở mọi thời đại.

Theo Tiền Phong

5 358
Chia sẻ bài này trên:
Kết bạn với CONGAI.ZZZ.VN trên facebook
Hãy gửi chia sẻ của bạn tới bài viết này qua địa chỉ mail zzz.vn@gmail.com Bài viết của bạn sẽ được đăng tải trên trang trong thời gian sớm nhất. Thông tin do bạn đọc cung cấp và chịu trách nhiệm về tính xác thực. zzz.vn giữ quyền biên tập và thay tên, địa chỉ nếu cần.
Bài nhiều người quan tâm