Những điều chưa biết về người viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam

 Người khăn trắng là bút danh của nhà văn Huỳnh Thượng Đẳng. Trong suốt nhiều năm, ông được xem là người viết truyện ma, truyện kinh dị nhiều nhất Việt Nam.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, độc giả cả nước đã quá quen thuộc với những cuốn truyện nhuốm màu sắc liêu trai, huyền bí. Nhưng ít ai biết được, phía sau cuộc đời của nhà văn nổi tiếng này cũng đầy ắp những bi kịch..

Người có duyên gắn bó với… truyện ma

Khởi nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước, Người khăn trắng nổi lên như một hiện tượng lạ trong làng văn Việt Nam với những truyện ma đầy ly kỳ, hấp dẫn nhưng đậm tính nhân văn. Sinh ra chưa từng có khái niệm về cõi âm, nhưng chứng kiến rồi nghe người khác kể lại nhiều chuyện về thế giới bên kia, chàng trai trẻ cũng dần xây dựng lên cho mình một trường suy tưởng về cõi siêu hình.

Nếu ai đã từng đọc sê ri truyện kinh dị của Người khăn trắng, chắc hẳn sẽ không khỏi tò mò về tác giả của loạt truyện kinh dị này. Hoặc giả, nhiều người còn tự đặt câu hỏi: Người khăn trắng là gì? Liệu đó có phải một người có khả năng đặc biệt hay có mối liên hệ nhất định với cõi siêu linh (?).

Nhà Thượng Đẳng chia sẻ: “Người khăn trắng hiểu đơn giản theo quan niệm dân gian là… chiếc khăn tang. Mà đã có khăn tang, tức là có người chết và ma. Khi đặt bút viết se-ri chuyện kinh dị, tôi đã nghĩ rất nhiều. Có thể nói, Người khăn trắng là cái tên thể hiện trọn vẹn nhất nội dung, đề tài cũng như tính chất đặc trưng của dòng truyện ma mà tôi đã theo đuổi suốt gần nửa thế qua”.

Mang dáng người đĩnh đạc, nụ cười hồn hậu, Người khăn trắng tên thật là Huỳnh Thượng Đẳng (02/01/1938) tại Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang. Nếu không biết trước chắc chẳng ai ngờ, người đàn ông có vẻ ngoài dễ gần này lại sở hữu khả năng viết về một cõi siêu linh, huyền hoặc. Ông sử dụng nhiều bút hiệu khác nhau như Hoàng Phương Hùng, Thượng Hồng, Hoàng Khuynh, Thượng Vũ, nhưng đáng chú ý nhất là Người khăn trắng được sử dụng khi viết những tập tiểu thuyết kinh dị.

Bút danh “Người khăn trắng” được ông dùng từ những năm đầu thập niên 1960 khi còn học ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Trong thời gian này, ông cũng tham gia cộng tác cùng một số tờ báo tên tuổi như Chuông Mai, Dân chủ mới với nhiều tác phẩm thuộc thể loại phóng sự, chuyên luận, ghi nhanh, tiểu thuyết dài kỳ…

Những điều chưa biết về người viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam

Sẵn đam mê và nghiên cứu về thế giới vô hình, tháng 6/1966, ông cho ra đời tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm ông tâm đắc nhất, đó là Oan tình cô Út Liễu. Từ 1975, ông ngừng viết, đằng đẵng 14 năm cho đến khi “tái xuất” cộng tác cho các tạp chí Mỹ thuật thời nay, Thế giới mới…Năm 2003, ông hợp tác với công ty CP Dịch vụ Văn hóa Thiên Vương cho tái xuất hiện dòng truyện ma với bút hiệu Người khăn trắng. Từ đó đến nay, ông liên tục cho ra đời hàng trăm tác phẩm thuộc tủ sách Chuyện không kể lúc nửa đêm.

Nhiều người vẫn cho rằng, truyện ma, truyện kinh dị… chỉ là loại văn chương hạng hai, văn chương đại chúng chứ không thuộc dạng thẩm mĩ cao. Thế nhưng trên thực tế, truyện ma luôn mang đến cho người đọc cảm giác hồi hộp, bất ngờ. Thậm chí hiện nay, từ ma cũng đã được đưa vào trong từ điển tiếng Việt, ở đó cũng giải thích một số loại ma như ma xó được người người dân tộc thiểu số thờ ở xó nhà, ma rú (hay còn gọi là ma giấu) chuyên dắt người giấu vào bụi tre, bụi rậm; ma da kéo người ta ra sống nhấn nước cho đến chết… Được bắt nguồn từ nỗi sợ bản năng của con người, truyện ma khiến người đọc vừa sởn da gà vừa thích thú. Nhiều người vẫn tự đặt câu hỏi: “Liệu ma có thực không hay chỉ là ảo giác”, nhưng họ vẫn sợ, hoang mang.

Suốt sự nghiệp của mình, Người khăn trắng quan niệm chức năng của văn học là phục vụ người đọc, thể loại kinh dị không đơn thuần chỉ để giải trí mà nó phải mang tính nhân văn sâu sắc. Dùng chuyện ma, qua thế giới cõi âm để nói chuyện trần thế,những nhân vật trong truyện Người khăn trắng luôn ẩn mình sau hình ảnh của những người nghèo thấp cổ bé họng, luôn bị ức hiếp.Khi sống họ không thể phản kháng, đến khi chết đi, họ tìm về với nơi đã gây nhiều hận thù với hi vọng có thể làm nguôi ngoai tâm khảm. Đa phần những nhân vật trong truyện của Người khăn trắng là phụ nữ.

“Cõi chết siêu hình vẫn luôn quyến rũ tôi”

Ở Việt Nam, những cây bút đã thành danh trong lĩnh vực viết truyện ma có thể kể đến như Nguyễn Dữ, Võ Thị Hảo, Thế Lữ… Ở châu Âu, những nhà văn nổi tiếng như Poe, Maupassant cũng chỉ xem truyện ma là một phần trong sự nghiệp văn chương của họ. Thế nhưng, Người khăn trắng lại đến với truyện ma bằng một tâm thế khác, một tâm thế của người coi mỗi câu chuyện được viết ra là một tâm sự, một tiếng lòng cần trải về những số phận con người.

“Tôi tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận trong thể loại này. Tôi viết nhiều và càng muốn viết nhiều hơn”, ông tâm sự.

Không quá lời khi gọi ông là “trùm viết truyện ma” của Việt Nam. Trong hơn 50 năm cầm bút, hơn 400 tác phẩm kinh dị đã được Người khăn trắng cho ra đời và hơn hết, mỗi tập đều nhận được sự chờ đón của đông đảo bạn đọc. Ông viết nhiều, viết không ngừng nhưng dường như cảm xúc trong ông chưa bao giờ cạn đối với dòng tiểu thuyết kinh dị.

Tác giả Người khăn trắng chia sẻ: “Dù là tác giả nhưng tôi vẫn luôn hồi hộp về thế giới huyền hoặc đó. Cõi chết siêu hình vẫn luôn quyến rũ và thách đố ngòi bút của tôi”. Chuyện lạ là ngay từ khi thơ ấu, ông đã được mẹ hát ru bằng những câu chuyện ma và những câu chuyện kể dân gian. Từ đó, tác giả đã có những ý niệm ban đầu về thế giới vô hình hay cõi âm.

Ông được coi là nhà văn chuyên trị những nhân vật ma nữ sống một cuộc sống khổ hạnh, oan khuất, khi chết thì quay về báo oán. Với ông, ma nam thường ác, xuất hiện là giết người, còn ma nữ chỉ xuất hiện khiến người ta sợ. Nơi ông ra đời là vùng miền Tây sông nước, hình ảnh đó đã thâm nhập vào đầu óc ông và biến nó thành bối cảnh chính cho những câu chuyện rùng rợn ông viết.

Cơ duyên đến với nghiệp viết truyện ma, cũng xuất phát từ chính những gì ông từng chứng kiến và bị ám ảnh mãi cho đến bây giờ. Đó là một cái chết đầy thương tâm và oan khuất của chính người cô ruột. Sống trong thời phong kiến xưa cũ, chuyện ép gả gây ra nỗi đau cho nhiều thiếu nữ thời đó.

Cô Út Liễu của tác giả chết khi chưa đầy 18 tuổi, cô thắt cổ ngay trong vườn nhà, ở một gốc xoài, bằng một chiếc dây lớn.

Ngày nhỏ, Người khăn trắng vẫn thường được nghe cha mẹ kể chuyện cô Út Liễu đã tự tử quyên sinh. Cô Út liễu vốn rất đẹp, vì bị ép gả mà đã chết trong oan khuất. Sau đó khoảng ba năm,con của ông cai làng, vốn nổi tiếng là một tay ăn chơi “phá gia chi tử” đột nhiên bị ngã quỵ chết khi đi qua cây cầu bắc qua con kênh nhỏ gần nhà. Đó chính là người đã dùng thế lực của cha để bắt ép gia đình cô Út Liễu phải gả con gái cho hắn. Chứng kiến chuyện “ác giả ác báo” trong đời thực, người thực đã khiến chính tác giả cũng bàng hoàng và bắt đầu có khái niệm về sự trả thù của những oan hồn.

Theo Gia Đình & Xã Hội

5 240
Chia sẻ bài này trên:
Kết bạn với CONGAI.ZZZ.VN trên facebook
Hãy gửi chia sẻ của bạn tới bài viết này qua địa chỉ mail zzz.vn@gmail.com Bài viết của bạn sẽ được đăng tải trên trang trong thời gian sớm nhất. Thông tin do bạn đọc cung cấp và chịu trách nhiệm về tính xác thực. zzz.vn giữ quyền biên tập và thay tên, địa chỉ nếu cần.