Sốt virus ở trẻ em – Những điều cần biết

 Sốt là một trong những triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trong thời điểm thời tiết chuyển mùa. Sốt thông thường là phản ứng của cơ thể, là triệu chứng biểu hiện của việc một bộ phận cơ thể bị viêm nhiễm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sốt virus đang là một bệnh trẻ nhỏ rất dễ mắc phải vì dễ lây qua đường hô hấp mà không phải là biểu hiện của viêm nhiễm mà do virus gây ra. Để có thể bảo vệ và chăm sóc trẻ tốt, các bà mẹ cần nắm được những kiến thức cần thiết về loại bệnh này.

Triệu chứng trẻ bị sốt virut

Sốt cao: Khi trẻ bị sốt virus, trẻ thường bị sốt cao từ 38-39oC, thậm chí 40-41oC. Trẻ thường bị sốt theo cơn và nếu không được hạ sốt kịp thời trẻ sẽ có biểu hiện mệt mỏi, nếu sốt quá cao trẻ có thể bị hoảng loạn, thậm chí co giật... Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Tuy nhiên việc bị sốt kéo dài sẽ khiến trẻ mệt mỏi, đau mình mẩy. Ở trẻ lớn chúng ta có thể biết được thông qua việc trẻ kêu đau người, đau đầu nhưng ở trẻ nhỏ, vì chúng chưa biết nói nên người lớn chỉ có thể nhận biết thông qua biểu hiện của trẻ như cáu gắt, khóc, ít chịu chơi nhưng ngày thường.

Sốt virus ở trẻ em

Sốt cao sẽ khiến  trẻ mệt mỏi, khó chịu

Viêm đường hô hấp: Trẻ sẽ có các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, chảy nước mũi, cổ họng hơi tấy đỏ và ho. Do vậy đôi khi các bậc phụ huynh hay nhầm tưởng con mình bị sốt do viêm đường hô hấp và tự điều trị bằng kháng sinh.

Rối loạn tiêu hóa: Trẻ có thể bị đi ngoài phân lỏng trước khi bị sốt hoặc sau khi khỏi sốt một vài ngày. Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virut đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhày.

Phát hạch: Khi sốt cao, đôi khi trẻ sẽ bị nổi hạch ở một vài điểm trên cơ thể, đặc biệt là các hạch vùng đầu, mặt, cổ. Những hạch này  thường sưng to, làm trẻ bị đau, chúng ta có thể nhìn hoặc sờ thấy.

Sốt virus ở trẻ em

Trẻ thường quấy khóc vì mệt mỏi và bị đau

Phát ban: Nếu trẻ bị sốt virus thì thường xuất hiện ban đỏ 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.

Nôn, trớ: Trẻ thường dễ bị nôn trớ sau khi ăn, thậm chí khi không ăn gì trẻ cũng dễ bị trớ thức ăn đã ăn trước đó ra ngoài.

Xử trí và chăm sóc khi trẻ bị sốt virus

Đối với các bệnh do virut gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đối với sốt virut ở trẻ em cũng vậy. Các phụ huynh cần lưu ý là không phải cứ thấy trẻ sốt là cho uống kháng sinh vì sốt virus không phải là biểu hiện của viêm, do vậy điều trị kháng sinh trong trường hợp này không có tác dụng gì cả, thậm chí còn có hại cho trẻ. Các biện pháp thường áp dụng là:

Thường xuyên kiểm tra nhiệu độ: Có thể dùng nhiệt kế điện tử để có kết quả nhanh nhưng nếu muốn nhận kết quả chính xách chúng ta nên kiểm tra cả bằng nhiệt kế thủy ngân thông thường.

Nên đặt nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn. Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của trẻ áp sát vào ngực. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số ghi trên nhiệt kế cộng thêm 0,3 - 0,4 độ. Ví dụ nhiệt kế thể hiện nhiệt độ là 38oC thì thân nhiệt thực sự của trẻ là 38,4oC.

Sốt virus ở trẻ em

Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cho trẻ

Hạ sốt: Có nhiều cách hạ sốt nhưng thông thường khi trẻ sốt cao chúng ta phải đồng thời áp dụng nhiều phương pháp hạ sốt nhằm hạ sốt nhanh, hiệu quả. Cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (có thể uống hoặc dùng thuốc đút hậu môn); chườm mát cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Khi trẻ sốt cao cần cởi quần áo, lau toàn thân, đặc biệt chú ý phần bẹn và nách bằng khăn ướt nước ấm. Tuyệt đối không được chườm nước lạnh vì sẽ gây sốt cao thêm do cơ chế co mạch ngoại vi và không được để trẻ ở nơi thông gió hoặc cho gió thổi trực tiếp vào người trẻ khi đang lau người hạ sốt vì có thể khiến trẻ bị cảm lạnh.

Sốt virus ở trẻ em

Lau người bằng nước ấm nếu trẻ sốt cao

Chống co giật: Để phòng co giật, cần dùng tất cả mọi phương pháp hạ sốt, tránh để trẻ bị sốt quá cao trong thời gian dài. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC thì dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

Bù nước và điện giải: Khi sốt trẻ sẽ mất nhiều nước và chất điện giải, do vậy trẻ sẽ rất khát. Nếu trẻ còn bú mẹ thị tiếp tục cho bú nhiều hơn bình thường, và cho uống bù nước ORS (Oresol) theo chỉ dẫn. Trường hợp trẻ không uống được thì dùng bông sạch chấm nước trên vào môi, miệng bé liên tục để niêm mạc môi, miệng hấp thu nước, tránh thiếu nước và chất điện giải.

Sốt virus ở trẻ em

Cho trẻ uống nhiều nước, sữa để bù nước

Chống nhiếm khuẩn: Luôn phải vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bị nhiễm khuẩn vi khuẩn đường hô hấp.

Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ: Trẻ cần được tăng cường dinh dưỡng để cung cấp năng lượng chống lại bệnh tật. Do vậy luôn phải chú ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ mặc dù thời gian này trẻ rất lười ăn. Nên cho trẻ ăn thức ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước như sữa, nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh...

Sốt virus ở trẻ em

Cho trẻ ăn thức ăn nhuyễn và loãng hơn bình thường để trẻ dễ nuốt và dễ hấp thụ

5 395
Chia sẻ bài này trên:
Kết bạn với CONGAI.ZZZ.VN trên facebook
Hãy gửi chia sẻ của bạn tới bài viết này qua địa chỉ mail zzz.vn@gmail.com Bài viết của bạn sẽ được đăng tải trên trang trong thời gian sớm nhất. Thông tin do bạn đọc cung cấp và chịu trách nhiệm về tính xác thực. zzz.vn giữ quyền biên tập và thay tên, địa chỉ nếu cần.
Bài nhiều người quan tâm