Mũi có thể giúp giảm lượng chất béo trong chế độ ăn

 Những phương pháp tiên tiến sử dụng mùi khiến thức ăn ít béo trở nên “hấp dẫn” có thể giúp ích cho những nỗ lực hiện nay nhằm làm giảm lượng chất béo trong chế độ ăn.

 Mũi có thể giúp giảm lượng chất béo trong chế độ ăn

Nghiên cứu của Trung tâm Monell, Mỹ cho thấy con người có thể dùng khứu giác để phát hiện chất béo trong thức ăn. Vì mùi của thức ăn luôn được nhận ra trước khi nếm, nên nghiên cứu đã xác định được một trong những giác quan báo hiệu thức ăn có chứa chất béo hay không.

Là nhóm chất dinh dưỡng chứa nhiều calo nhất, chất béo đã từng là nguồn năng lượng được “ao ước” trong suốt quá trình tiến hóa của loài người. Do đó, khả năng phát hiện được nguồn chất béo trong thực phẩm là một ưu thế, cũng như vị ngọt là tín hiệu báo nguồn năng lượng từ chất bột đường.

Mặc dù các nhà khoa học biết rằng con người sử dụng những dấu hiệu giác quan để phát hiện chất béo, song vẫn chưa rõ những hệ thống giác quan nào góp phần vào khả năng này. Việc phát hiện chất béo qua mùi sẽ có ưu điểm là xác định được nguồn thực phẩm từ khoảng cách xa.

Để tìm hiểu xem liệu chúng ta có thể phát hiện và phân biệt được lượng chất béo trong một thực phẩm thông dụng là sữa hay không, các nhà nghiên cứu đã cho một số người khỏe mạnh ngửi sữa chứa lượng chất béo có thể gặp trong sản phẩm sữa thông dụng: 0,125%, 1,4% hoặc 2,7% chất béo.

Các mẫu sữa được đóng vào 3 lọ. Hai lọ chứa sữa có cùng tỷ lệ % chất béo, trong khi lọ thứ ba chứa sữa có hàm lượng chất béo khác. Nhiệm vụ của các đối tượng là ngửi 3 lọ và xác định đâu là mẫu sữa khác.

Thí nghiệm được tiến hành 3 lần trên 3 nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm người có cân nặng bình thường và người thừa cân. Kết quả cho thấy trong cả ba thí nghiệm, các đối tượng tham gia đều có thể sử dụng khứu giác để phân biệt hàm lượng chất béo khác nhau trong sữa. Khả năng này không khác biệt giữa những đối tượng có nền văn hóa khác, bao gồm những người tiêu thụ nhiều sữa hàng ngày hơn. Cũng không có mối liên quan giữa cân nặng và khả năng phân biệt chất béo.

“Cần xác định những phân tử “mùi thơm” cho phép chúng ta phân biệt được lượng chất béo khác nhau. Các phân tử chất béo không bay hơi, nghĩa là chúng ta không thể nhận ra chúng khi ngửi mẫu thức ăn”, TS. Sanne Boesveldt, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. “Chúng tôi sẽ cần những phân tích hóa học tinh vi để tìm ra dấu hiệu này”.

 

Theo Cẩm Tú

Dân trí

5 209
Chia sẻ bài này trên:
Kết bạn với CONGAI.ZZZ.VN trên facebook
Hãy gửi chia sẻ của bạn tới bài viết này qua địa chỉ mail zzz.vn@gmail.com Bài viết của bạn sẽ được đăng tải trên trang trong thời gian sớm nhất. Thông tin do bạn đọc cung cấp và chịu trách nhiệm về tính xác thực. zzz.vn giữ quyền biên tập và thay tên, địa chỉ nếu cần.
Bài nhiều người quan tâm