Làm mẹ là thiên chức cao cả và thiêng liêng của phụ nữ. Dẫu nhận thức được rất rõ điều đó nhưng phần lớn chị em sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi trong giai đoạn khi vừa mới sinh con, chưa có kinh nghiệm chăm sóc em bé trong khi mọi áp lực trong thời kỳ này đều dồn lên vai họ.
Các ông chồng đừng vội khó chịu mỗi khi chị em gắt gỏng, cáu bẳn. Hãy tìm hiểu nguyên nhân để có thể hiểu và san sẻ những khó khăn cho người bạn đời của mình.
1. Quá lo lắng cho con
Phụ nữ khi sinh nở lần đầu chưa có kinh nghiệm gì trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con nhỏ. Họ thường có tâm lý lo lắng thái quá cho đứa con bé bỏng của mình mà không biết phải làm thế nào nếu không có sự giúp đỡ của những người đi trước có kinh nghiệm như mẹ đẻ, chị em gái. Họ sẽ trở nên rối loạn trước những tình huống tưởng như đơn giản như không biết cách dỗ trẻ khóc, không biết xử lý khi trẻ có vấn đề bất thường về sức khỏe. Điều đó sẽ khiến họ không thể tươi cười, nhẹ nhàng như tính cách thường ngày của mình.
2. Bị tách biệt với phần còn lại của thế giới
Đang từ một người phụ nữ trẻ trung, năng động, tự do và hết mình với công việc, bỗng nhiên một ngày, họ trở thành mẹ và bắt đầu với chuỗi tháng ngày vò võ một mình cả ngày với đứa trẻ có đến 20 đến 22/24 tiếng chỉ có ngủ, 2 tiếng còn lại chia đều cho việc ăn, tè, ị và khóc có thể khiến nhiều phụ nữ cuồng chân, cô đơn, buồn chán. Nhất là khi họ lại “sở hữu” một ông chồng vô tâm, không biết cách tâm tình, động viên vợ thì hẳn nhiên họ sẽ trở nên bực dọc và luôn muốn trút giận lên bất kỳ người nào mà họ “vớ” được, đặc biệt là ông chồng.
3. Mắc phải tình trạng thiếu ngủ kéo dài
Khi mới ra đời, nhiều đứa trẻ thường thích “chơi đèn” – nghĩa là ban ngày thì ngủ, ban đêm thì thức chơi khiến người lớn phải thức theo, dẫn tới tình trạng mất ngủ của người mẹ. Tình trạng thiếu ngủ diễn ra trong thời gian dài không chỉ khiến vợ mà cả chồng cũng trở nên dễ cáu kỉnh, kéo theo khả năng và hiệu suất làm việc giảm. Hãy thử hình dung, đôi vợ chồng trẻ ngọt ngào lúc này trở thành hai con người mệt mỏi, chẳng buồn đoái hoài đến nhau, thậm chí lúc nào cũng có thể gây sự.
Thực ra không có gì khó khăn để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này nếu các ông bố trẻ cảm thông, chia sẻ với vợ một vài giờ bế và chơi với bé mỗi ngày.
4. Không được san sẻ khối lượng công việc khổng lồ
Khi còn là vợ chồng son rỗi, hai vợ chồng chả có việc gì khi đi làm về ngoài việc nấu ăn hằng ngày và thỉnh thoảng dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, khi đứa con chào đời mọi việc bỗng nhiên thay đổi. Một khối lượng công việc lớn gấp đôi, gấp ba ở đâu bỗng đổ ập lên đầu vợ chồng trẻ. Câu hỏi quen thuộc là ai sẽ gánh vác phần việc trong gia đình khi "thăng chức" cha mẹ. Và câu trả lời mặc định quen thuộc là: Phụ nữ.
Nếu người chồng không có ý thức xây dựng, thiếu sự chia sẻ với vợ sẽ dễ dẫn đến tình trạng cãi nhau triền miên vì người vợ quá mệt mỏi khi phải một mình vừa chăm sóc con cái, vừa lo toan việc nhà trong khi sức khỏe chưa hoàn toàn phục hồi.
5. Nghi ngờ chồng ngoại tình
Đa số phụ nữ thường được tiêm nhiễm ý nghĩ rằng những ông chồng của họ thường tranh thủ “ăn chả” trong thời gian vợ ở cữ. Từ đó họ luôn mang tâm lý nghi hoặc, ngờ vực đối với chồng dù những ông chồng thực sự rất “ngoan”. Những hành vi xét nét, dò hỏi, kiểm soát hay tỏ thái độ là điều không tránh khỏi.
6. Tự ti về bản thân
Rất nhiều phụ nữ được hỏi đã trả lời, sau khi sinh họ cảm thấy thiếu tự tin về bản thân hơn hẳn so với trước. Lý do là họ cảm thấy thân hình xấu đi với những vết rạn đáng ghét, phần mỡ bụng dư thừa ngày một nhiều, khả năng tình dục không còn hoàn hảo… Từ đó xuất hiện tâm lý tự ti trước chồng, sợ chồng chán, chồng chê. Đó cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ hay gắt gỏng, cáu bẳn với mọi thứ xung quanh