“Bay trên tổ chim cúc cu” là một bộ phim vừa sảng khoái vừa bi thương, chạm tới những câu hỏi sâu xa, phức tạp nhất về tự do và khuôn khổ, cá nhân và hệ thống, bình thường và bất thường, tỉnh táo và điên loạn…
Sức sống của hai siêu phẩm kinh điển
Phim “One Flew Over the Cuckoo's Nest” (Bay trên tổ chim cúc cu - 1975) là một trong những bộ phim đáng xem nhất của điện ảnh Mỹ, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên, xuất bản năm 1962, của nhà văn Ken Kesey.
Trong lịch sử các lễ trao giải Oscar, đây là bộ phim thứ hai giành được bộ giải “ngũ tuyệt” gồm Phim, Nam diễn viên chính (Jack Nicholson vào vai McMurphy), Nữ diễn viên chính (Louise Fletcher vào vai y tá trưởng Ratched), Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc nhất. Phim đứng thứ 33 trong danh sách 100 bộ phim đáng xem nhất của Viện phim Mỹ.
Jack Nicholson vào vai McMurphy
“Bay trên tổ chim cúc cu” lấy bối cảnh ở một trại tâm thần với đầy những quy tắc kỷ luật cứng nhắc, thậm chí điên rồ. Mọi quy tắc đó đảo lộn khi nhân vật nam chính McMurphy xuất hiện. Bất trị như một chú ngựa hoang, hắn vào viện để trốn án phạt lao động và không hề có ý định “cứu rỗi” đám bệnh nhân tâm thần Cấp tính.
Nhưng chính trong những ngày sống ở trại, tình yêu tự do, sở thích tung hoành của hắn đã làm nên một cuộc cách mạng, tạo nên mối liên kết giữa những bệnh nhân tâm thần, nhắc họ nhớ về cuộc sống, về cá tính của mình trước khi vào trại, về những điều đẹp đẽ của một kẻ đã-từng-là-mình trước khi trở thành bệnh nhân tâm thần.
Sự nổi loạn của đám bệnh nhân đã thách thức trật tự đạo đức giả mà y tá trưởng Ratched cùng đám hộ lý áp đặt lên các bệnh nhân. Một cuộc chiến bất cân sức bắt đầu. Đúng như cuộc đời, kẻ yếu không thể thắng, McMurphy đã chết dữ dội như cách hắn từng sống.
Louise Fletcher vào vai y tá trưởng Ratched
Trật tự độc ác và quỷ quyệt trong bệnh viện tâm thần đã không giết hẳn McMurphy, nhưng nó cũng không thể bắt hắn sống theo cách nó muốn…
“Bay trên tổ chim cúc cu” là một bộ phim vừa sảng khoái vừa bi thương, chạm tới những câu hỏi sâu xa, phức tạp nhất về tự do và khuôn khổ, cá nhân và hệ thống, bình thường và bất thường, tỉnh táo và điên loạn…
“Bay trên tổ chim cúc cu” trong văn học là một kiệt tác văn chương, nằm trong danh sách những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ 20. “Bay trên tổ chim cúc cu” trong điện ảnh là một siêu phẩm kinh điển, chiến thắng ở tất cả các đề cử quan trọng nhất của giải Oscar.
Cả hai tác phẩm này đều có sức mạnh của tinh thần nhân văn, của “nghệ thuật vị nhân sinh”, khiến người ta không bao giờ có thể lãng quên một khi đã xem phim hoặc đã đọc truyện.
Bộ phim “Bay trên tổ chim cúc cu” khi ra mắt đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, đặc biệt là diễn xuất hoàn hảo của các nhân vật đã đem hơi thở cuộc sống rất đời, rất người vào trong tác phẩm, đem lại những hào hứng, phấn khích, buồn bã, xót thương rất chân thật cho người xem.
McMurphy - Một biểu tượng mãnh liệt về tình yêu tự do
Bộ phim xoay quanh nhân vật McMurphy, khoảng 4/5 bộ phim, người xem được cười sảng khoái với những trò quỷ quyệt mà hắn thực hiện rất thành công để dắt mũi mụ y tá trưởng và các hộ lý. 1/5 thời lượng phim còn lại khắc họa bi kịch của McMurphy - một bi kịch mà người ta có thể hiểu theo nhiều cách…
Người ta có thể hiểu McMurphy đã thực hiện hoàn hảo cuộc cách mạng khi hắn truyền tình yêu tự do và khát khao sống cho các bệnh nhân Cấp tính, ngay cả con người vốn đã giả câm giả điếc suốt bao năm như “thủ lĩnh da đỏ” Bromden cũng sực tỉnh khi “chưa bao giờ, trước khi hắn (McMurphy) xuất hiện, ở đây lại có mùi mồ hôi của một người đàn ông, mùi bụi bặm, rơm cỏ từ những cánh đồng bao la và công việc nặng nhọc”.
Người ta cũng có thể hiểu McMurphy đã mất tất cả trong cuộc chiến “tử vì đạo”. Hy sinh vì tình yêu tự do và cuộc sống, hắn đã nhận lấy cái kết bi đát nhất mà ngày đầu khi ngông nghênh bước vào trại tâm thần có lẽ dù trong lúc chán nản, thất vọng nhất, hắn cũng không thể hình dung ra.
Việc McMurphy nghĩ gì cũng luôn là bí ẩn đối với người xem. Đó là lý do mà người xem sẽ vừa ngạc nhiên thú vị vừa lo lắng thất vọng khi thấy McMurphy nằm ngủ ngon lành bên cửa sổ mở toang của phòng bệnh, bị mụ y tá trưởng và tụi hộ lý “bắt tại trận” sau cuộc vui tới bến mà hắn đã mở ra để chia tay các bệnh nhân trước khi “vượt ngục”.
Thoạt tiên, người ta nghĩ có lẽ McMurphy say sưa chè chén nên ngủ quên và chẳng kịp tẩu thoát, nhưng nhanh chóng người ta cũng hiểu rằng, với một kẻ tinh ranh như McMurphy, không có chuyện hắn gặp sai lầm trong một kế hoạch đã vạch ra hoàn hảo.
Quyết định ở lại bên các con bệnh tâm thần, hắn đã thực sự trở thành biểu tượng cao cả của tình yêu tự do. Hắn không chỉ quan tâm tới sự tự do của riêng mình mà còn muốn khơi dậy tình yêu tự do ở những người xung quanh, sẵn sàng mạo hiểm bản thân để sát cánh bên bạn bè.
Sau khi dám đứng lên thách thức cái trật tự độc ác và quỷ quyệt trong bệnh viện, sau khi dẫn dắt các con bệnh Cấp tính nổi loạn, sau khi “vượt ngục” đưa họ đi câu cá ngoài biển, cùng họ nhậu nhoẹt túy lúy say sưa, sau khi làm thay đổi hoàn toàn những con bệnh Cấp tính, sau khi trở về ngạo nghễ từ phòng điều trị sốc điện kinh hoàng… Liệu có thể coi McMurphy đã thất bại đau thương?
McMurphy quyết định không bỏ trốn mà sẽ đi tới cùng của niềm hy vọng, cuối cùng, chỉ để chuốc lấy thất vọng, nhưng dù bỏ qua cơ hội giải thoát chính mình, McMurphy đã làm bừng tỉnh tất cả các con bệnh Cấp tính.
Nhà phê bình phim Pauline Kael cho rằng phim “chứa đựng những ẩn dụ phản ánh phần nào những chấn động trong xã hội Mỹ trước cuộc chiến tranh Việt Nam”. Khi đó, bệnh viện tâm thần là ẩn dụ cho xã hội Mỹ thập niên 1970 đề cao sự tuân thủ.
Các bệnh nhân đều ngoan ngoãn, dễ bảo, tuy vậy, tận sâu trong tâm hồn, họ có những bất ổn, rối loạn, họ không ý thức được thật sự mình là ai, mình đang ở đâu, cần làm gì và tại sao phải làm vậy cho tới khi xuất hiện “nhà cách mạng” McMurphy.
Lúc đó, người ta mới phát hiện ra rằng Bromden không điếc, Billy không nói lắp, các bệnh nhân khác cũng có thể trở nên mạnh dạn. Họ không cần phải uống thuốc, nghe nhạc, thảo luận nhóm…
Họ cần một thủ lĩnh tinh thần như McMurphy, để dạy họ cách sống tự do, phóng khoáng, để xem bóng chày, để đi câu cá, để chơi bóng rổ, để say sưa, để tình tự… Ở đây, bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn giữa tinh thần tự do phóng khoáng và hệ thống khuôn khổ cứng nhắc.
McMurphy - một kẻ đi tù vì hay gây gổ và quan hệ với trẻ vị thành niên, bị gửi tới trại tâm thần, từng lớn lên nơi “đầu đường xó chợ”, sống tự do, phóng túng, nhưng McMurphy lại là người duy nhất hiểu rằng các bệnh nhân ở đây chẳng điên hơn một gã “ngáo ngơ” vất vưởng ngoài đường. Hắn đối xử với họ bình đẳng và vì vậy cũng đối xử với họ rất nhân đạo.
McMurphy là một thủ lĩnh tinh thần, một người thầy giáo tận tụy, dạy những con người vốn bị cuộc sống làm cho tổn thương, biết cách trở lại với cuộc đời. Đôi khi tồn tại hay không không quan trọng bằng việc ta đã tồn tại như thế nào…
Theo Bích Ngọc
Dân trí