Những bộ phim về học trò tuy được sản xuất không nhiều nhưng lại mang đến cho người xem những cảm xúc tươi mới với những tình cảm trong sáng của tuổi học trò. Cùng điểm lại những bộ phim ghi dấu ấn trong lòng người xem qua nhiều năm nay.
12A 4H
Có thể nói 12A 4H là một bộ phim truyền hình hay và xúc động về lứa tuổi học trò. Bộ phim là câu chuyện về bộ tứ Hạ, Hân, Hoa, Hằng - nhóm 4H của lớp 12A trường Chu Văn An. Mỗi người một tính cách, mỗi người một lý tưởng nhưng ở họ lại toát lên cái tinh khôi và sức sống dạt dào của tuổi học trò.
12A và 4H có thể xem là bộ phim gây được ấn tượng mạnh với nhiều thế hệ khán giả phim truyền hình Việt
Bộ tứ 10A8
Thuộc thể loại phim sitcom, mỗi tập chỉ vỏn vẹn 8 phút, nhưng Bộ tứ 10A8 vẫn truyền tải được những câu chuyện học trò đầy sống động, chân thực và hài hước quanh câu chuyện về 4 bạn nhỏ Phan Linh, Mai Lâm, Đô Đô và La La.
Mang một phong cách trẻ trung, hiện đại, Bộ tứ 10A8 cũng là một trong những bài ca đẹp về câu chuyện tuổi học trò. Là bộ phim được khai thác từ góc nhìn hài hước, trẻ trung trong cách sống của các bạn trẻ. Bộ phim này xoay quanh cuộc sống của nhóm bạn rất dễ thương học lớp 10, mỗi người có một tính cách, sở thích, đam mê riêng biệt. Bộ phim với tiêu chí "Đến trường, không chỉ để học" bộ phim thể hiện những khía cạnh khác nhau trong giới học đường. Đó là nơi học tập, chia sẻ tâm sự, sở thích,... khởi nguồn cho những rung động.
Chít và Pi
Bộ phim là những khung cảnh rất thật của cuộc sống học trò. Nhân vật chính của phim là hai cô bạn chơi thân lập “kế hoạch” cho hai vị phụ huynh đến với nhau để được ở chung một nhà.
Học chung trong lớp 10A6, nơi tụ họp những cô cậu dở dở ương ương, vô cùng lắm chuyện và nghịch ngợm, Chít và Pi đã có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười, từ những chuyện nhỏ nhặt xích mích ở lớp, đến chuyện thần tượng, hay đơn giản chỉ là chuyện về lòng tin và sự đố kị đến những rung động đầu đời với bạn khác giới, khi cả Chít và Pi đều thích cậu bạn đẹp trai Handsome.
Thứ ba học trò
Vẫn là câu chuyện về những cô cậu học trò tinh nghịch trong lớp 12A1, nhưng Thứ ba học trò lại là bức tranh rõ nét hơn về những trò nghịch ngợm “nhất quỷ nhì ma”.
Câu chuyện bắt đầu khi cô giáo chủ nhiệm của lớp phải nghỉ sinh. Không giáo viên nào dám nhận thay, nhà trường phải giao nhiệm vụ cho Nghiêm Tuấn - một thầy giáo trẻ dạy sinh vừa chân ướt chân ráo về trường. Do giáo viên dạy văn đã đủ, nên thầy Tuấn bất đắc dĩ phải chuyển sang dạy môn… Giáo dục giới tính!
Và những câu chuyện cười ra nước mắt cũng được bắt đầu từ đây, những buổi ban đầu nhận chủ nhiệm lớp 12A1 đối với thầy Nghiêm Tuấn thật khốn khổ, bởi lũ học trò cá tính và quậy phá. Cuối cùng Nghiêm Tuấn cũng tìm ra tiếng nói chung với lũ học trò cá biệt này, và chiếm được lòng tin của chúng.
Dành cho tháng sáu
Phim lấy bối cảnh tại trường PTTH Phan Đình Phùng, một trong những ngôi trường cổ kính ở Hà Nội, cùng nhiều địa điểm đẹp khác như khu đô thị Linh Đàm, bến xe Mỹ Đình, công viên Bách Thảo, Lăng Bác, Hồ Tây, sân bóng Đại học Y, các khu tập thể cũ kỹ… Dành cho tháng sáu khơi gợi cho người xem cái cảm giác nhẹ nhàng, thứ cảm xúc tinh khiết của tuổi học trò. Qua từng thước phim, người xem thấy được một câu chuyện về tình bạn, tình yêu học trò đầy sống động qua từng trận bóng rổ, và đôi khi không kém phần lãng mạn trong những khuôn hình ngập sắc vàng hoa cúc.
Đằng sau không khí sôi sục, náo nhiệt của bộ môn bóng rổ, phim kể một câu chuyện thuần khiết, tinh khôi về những cảm xúc của tuổi học trò - lứa tuổi mà tâm lý rất phức tạp, khó nắm bắt. Những giọt mồ hôi vì niềm say mê bóng rổ, những nụ cười trong treo, những chiếc xe đạp trên hè phố và cả sự thất vọng, bức bối khi tình yêu bị từ chối… đều mang lại một cảm giác gần gũi mà gần như ai cũng từng trải qua khi còn ở thời áo trắng.