Henry Hill - nhân vật có thật trong bộ phim nổi tiếng làm về đề tài tội phạm “Goodfellas” - từng đưa “quân” tới khoắng sạch tài sản của nữ hoàng mỹ phẩm Estee Lauder. Giữa cảnh cướp bóc đó, ít ai có thể tưởng tượng rằng một chuyện tình đã nảy nở.
Một cuốn sách sắp được xuất bản tại Mỹ hiện đang thu hút sự chú ý của truyền thông với một câu chuyện tình hấp dẫn hứa hẹn sẽ được bật mí sau hàng thập kỷ. Cuốn sách kể về một băng nhóm mafia khét tiếng chuyên tiến hành các vụ cướp bóc ở Mỹ. Trong băng nhóm này có sự tham gia của tay tội phạm mà cuộc đời nhân vật này đã trở thành “kinh điển”, đó là Henry Hill.
Cuộc đời Henry Hill trở nên đặc biệt bởi sau này Henry sẽ “cải tà quy chính”, trở thành “tay trong” của lực lượng FBI. Cuộc đời của Henry Hill đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho những tác phẩm văn học và điện ảnh, nổi tiếng nhất là bộ phim “Goodfellas” (Chiến hữu - 1990) của đạo diễn Martin Scorsese.
Cuộc đời phạm tội và quá trình hoạt động “hai mang” của Henry Hill không xa lạ gì với khán giả yêu dòng phim làm về đề tài tội phạm, nhưng trong cuốn sách sắp xuất bản, sẽ có một chi tiết mới bất ngờ được hé lộ, đó là câu chuyện tình nảy nở giữa Henry Hill và một nạn nhân từng bị Henry mang “quân” tới nhà cướp.
Lần đó, Henry Hill mang các “đệ tử” tới cướp ở tư gia của nữ hoàng sáng chế mỹ phẩm Estee Lauder và cướp đi của bà hơn 1 triệu đô. Giữa cảnh cướp bóc như vậy, Henry Hill và nạn nhân - bà Estee Lauder - vẫn có thể làm nảy sinh một chuyện tình thú vị.
Nữ hoàng sáng chế mỹ phẩm Estee Lauder đã bị chính kẻ cướp quyến rũ, đó là tay mafia khét tiếng Henry Hill. Khi chứng kiến Estee Lauder quá khiếp sợ trước sự xuất hiện của đám mafia, Henry Hill đã đề nghị đưa bà ra ngoài uống cà phê để các “chiến hữu” của Henry “dọn nhà” giúp bà.
Cuộc đời Henry Hill đã truyền cảm hứng cho những tác phẩm văn học và điện ảnh. Hill đã qua đời vào năm 2012 ở tuổi 69.
Theo những gì được nghe kể lại từ chính Henry Hill, tác giả cuốn sách - nhà văn Daniel Simone - đã thực hiện cuốn “The Lufthansa Heist” (Vụ trộm Lufthansa) hứa hẹn sẽ rất thu hút độc giả.
“Henry và các tay chân của mình đã khống chế được bà Estee, nhét giẻ vào miệng bà, sau đó, bọn họ cướp bóc tất cả của cải có trong nhà. Estee rất sợ hãi, bà bị sốc nặng, Henry nhìn thấy Estee như vậy, cảm thấy không đành lòng nên đã đề nghị đưa bà ra ngoài uống cà phê và hứa sẽ đưa bà về nhà sau khi đồng bọn đã dọn sạch nhà giúp bà”.
Estee liền đồng ý nhưng thay vì tới quán cà phê, họ đã tới quán bar để uống cocktail. Hai người bắt đầu trở nên thân thiện với nhau hơn và thậm chí Estee còn đưa số điện thoại của bà cho Henry.
Lời đề nghị cuối cùng của Henry đối với Estee là đừng gọi điện báo cảnh sát ngay, hãy để nửa giờ sau khi họ đã dời đi hẵng gọi, và quả thực, bà Estee đã làm đúng y như lời Henry dặn.
Câu chuyện thú vị này được kể lại trong cuốn “The Lufthansa Heist” (Vụ trộm Lufthansa). Cuốn sách chủ yếu xoay quanh vụ cướp có vũ khí xảy ra năm 1978 tại sân bay JFK,
Vụ cướp này sau đó được khắc họa trong bộ phim nổi tiếng “Goodfellas”. Vụ trộm Lufthansa xảy ra vào ngày 11/11/1978, khi đó 5 triệu đô la tiền mặt và gần 1 triệu đô la trang sức quý, có giá trị tương đương với 21 triệu đô la tính theo mệnh giá hiện nay, đã bị cướp đi. Khi đó, đây được coi là vụ cướp tiền mặt lớn nhất từng xảy ra trên đất Mỹ.
Trong tuần qua, người ta lại có dịp nhắc nhớ về vụ cướp Lufthansa khi chính quyền liên bang của Mỹ bắt giữ một “cựu mafia” có tên Vincent Asaro từng tham gia vào vụ cướp này.
Henry Hill đã qua đời vào năm 2012. Trong cuộc đời tội phạm của mình, Henry từng “phản bội” đồng đảng để trở thành “tay trong” của FBI với điều kiện khi ra hầu tòa, Henry sẽ được hưởng khoan hồng.
Vụ trộm Lufthansa bản thân nó đã là một sự kiện đình đám nhưng nó càng trở thành sự kiện không thể quên khi được chuyển thể thành công lên màn ảnh rộng với tác phẩm điện ảnh nổi tiếng “Goodfellas” (1990).
Bộ phim “Goodfellas” sản xuất năm 1990 do Martin Scorsese đạo diễn được coi là một trong những bộ phim xuất sắc nhất làm về đề tài tội phạm trong lịch sử điện ảnh Mỹ.
Theo Bích Ngọc
Dân trí