“Bố tôi là một nhà giáo, lại là người nghiêm túc chắc chắn không thể nào ông hiểu và đồng cảm với một chương trình mà khi tham gia nó mang tính thị trường, giải trí như vậy. Tôi nghĩ trong mọi hoàn cảnh, mình có bản lĩnh thì vẫn làm được những điều tích cực" - nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Tham gia The Voice không mang nặng tính ganh đua
- Anh nghĩ sao khi bố anh - NSND Trung Kiên bày tỏ rằng nếu như anh không tham gia cuộc thi The Voice ở vai trò Huấn luyện viên thì hay hơn?
- Bố tôi là một nhà giáo, lại là người nghiêm túc, chắc chắn không thể nào ông hiểu và đồng cảm với một chương trình mà khi tham gia nó mang tính thị trường, giải trí như vậy. Tôi nghĩ trong mọi hoàn cảnh mình có bản lĩnh thì vẫn làm được những điều tích cực.
Tôi nói rõ ngay từ đầu và đến bây giờ mọi người có thể thấy là việc tôi tham gia không mang nặng tính ganh đua hay thể hiện mình. Điều quan trọng nhất là tôi muốn mang những kinh nghiệm của mình giúp đỡ những bạn trẻ. Thực ra trong đội của tôi các em đều theo những thể loại âm nhạc tương đối khó.
Những thể loại âm nhạc như rock đòi kinh nghiệm sản xuất, kỹ năng về âm nhạc. Nếu vài năm mới có một Rockstom hay Rock city thì quá ít, không cẩn thận sẽ bị thoái trào. Vì vậy tôi nghĩ bằng kinh nghiệm của mình, sự ảnh hưởng của mình, sẽ giới thiệu các bạn trẻ tự tin đến với công chúng.
- Vòng cuối The Voice sẽ có màn Huấn luyện viên sẽ hát cùng thí sinh đội mình. Trong khi Mỹ Linh, Hồng Nhung và Đàm Vĩnh Hưng đều có lợi thế là giọng hát còn anh xem ra...
- Suỵt!!!(cười nheo mắt). Bạn cứ chờ thử xem...
- Sau nhiều năm, sau cả những "dỗi hờn" trên mặt báo thì sắp tới anh và ca sĩ Tùng Dương mới có sự kết hợp trở lại trong đêm nhạc "Những giấc mộng đêm hè". Sẽ là một Tùng Dương như thế nào dưới bàn tay của anh?
- Thực ra từ năm 2006 tôi đã cùng Dương đi tham gia Festival ở Đan Mạch và nhiều chương trình khác và cho đến lần này tôi cũng không có ý định làm cho Dương khác đi. Chỉ cố gắng làm sao Dương hay như cũ hoặc hay hơn. Đến bây giờ tôi và Dương có kinh nghiệm để làm cá tính âm nhạc gần gũi khán giả, tiếp cận hơn. Như vậy không có nghĩa là mình làm nhòe đi những cá tính hay bỏ đi sự quái mà muốn làm điều đó hấp dẫn, đến gần công chúng hơn.
Chưa biết chép nhạc bằng máy tính đã viết "Cánh đồng bất tận"
- Ngày 2/9 tới, "Cánh đồng bất tận" - tác phẩm âm nhạc anh viết cho bộ phim cùng tên sẽ được trình diễn tại hòa nhạc Điều còn mãi, anh thấy thế nào?
- Tôi làm việc với chú Thụ (nhạc sĩ Dương Thụ - PV) từ 20 năm nay nên khi chú nói muốn có một tác phẩm mới ở "Điều còn mãi" thì tôi thấy rất vui và vinh dự. Thực ra tôi cũng mấy lần mong muốn tổ chức một đêm diễn toàn nhạc phim của mình. Lần này được giới thiệu "Cánh đồng bất tận" cũng là rất may mắn. Nếu qua đó khán giả ủng hộ thì tôi có thể tự tin trong một tương lai gần tổ chức đêm diễn giới thiệu các tác phẩm nhạc phim.
- Anh đã viết bao nhiêu tác phẩm âm nhạc cho phim? Với riêng "Cánh đồng bất tận" có điều gì đặc biệt?
- Viết nhạc phim lần đầu tiên tôi viết là năm 1993 cho một bộ phim của bác Tự Huy, sau đó là phim Ngã ba Đồng Lộc của Lưu Trọng Ninh, Chìa khóa vàng, Chuyện của Pao, Trái tim bé bỏng, Cánh đồng bất tận, Trần Thủ Độ...
Riêng phim Cánh đồng bất tận tôi chuẩn bị rất lâu từ đi chọn cảnh với đạo diễn cho đến lúc đoàn phim quay cũng ra, đến khi có bản dựng và thu thì chỉ có viết trong hai ngày. Hồi đó tôi còn chưa biết chép nhạc bằng máy tính nên viết xong là có hai trợ lý ở bên chép tổng phổ rồi in ra cho dàn nhạc.
Cát xê viết nhạc phim cao hơn viết cho ca khúc
- Những khó khăn khi viết nhạc phim là gì, thưa anh?
- Tất cả các dự án ở Việt
Nhạc phim lại khủng khiếp hơn bởi các đạo diễn quay xong phim lại dồn công việc cuối cùng lên nhạc sĩ với những câu nói như "Ơ, tháng sau phải duyệt phim rồi nhé" hay "Tuần sau phim phải ra rạp". Nếu người làm nhạc không chuẩn bị kỹ thì không hoàn thành được. Đó là thách thức mà mình cần phải chuẩn bị trước, điều đó đòi hỏi kinh nghiệm về sản xuất, hòa âm phối khí.
Riêng viết nhạc phim thì điều cốt lõi là phải đọc kịch bản trước, chọn lựa âm nhạc theo chủ đề. Cái khó của phim là phải viết nhạc theo quy định từ đoạn này đến đoạn kia. Ví dụ 1 phút 45 giây câu nhạc thì chỉ bằng đó chứ không được quá và câu nhạc ngắt nhất định đúng vào thời điểm.
Ví dụ cảnh chạy thì có nhạc hoặc đang hôn nhau có nhạc nhưng lại ngắt vào đúng chỗ tát nhau chẳng hạn. Tất cả những cái đó nó là kinh nghiệm, mình phải biết nó nằm ở tốc độ, tempo, phải đúng thời gian từng giây, từng phút một.
- Thù lao viết nhạc cho phim mà anh nhận được có nhiều như làm nhạc cho các ca khúc nhạc nhẹ?
- Tôi nghĩ là nhiều hơn. Nhưng tính ra thì tốn công hơn nhiều vì viết cho dàn nhạc giao hưởng. Thứ hai còn tùy thuộc vào những yếu tố khác. Ví dụ phim Trần Thủ Độ lúc đầu anh Tất Bình nói với tôi là phim thế nọ, thế kia. Đến lúc ít tiền quá anh nói tôi thôi bớt đi chỉ còn 30 số nhạc thôi. Cuối cùng tôi làm ra hơn 100 số nhạc gồm 5 nhạc múa, hai bài hát khí nhạc, tính ra cũng lỗ vốn. Nhưng thực ra thì khi làm rồi thì cũng phải chấp nhận những công việc như vậy thôi.
Ở nước ngoài những người viết nhạc phim thì chỉ viết nhạc phim, có thể viết nhạc khác như game, nhạc trình diễn trong các lễ hội. Tôi nghĩ phụ thuộc vào nhiều tiêu chí của từng nhạc sĩ thôi. Ở mình không thể nào mong chờ một sự trình diễn của một bản giao hưởng so với tần suất với một bài hát nhạc Pop cả. Nó cũng giống như việc mình duy lý trí đòi nhạc cổ điển, nhạc thể nghiệm hay nhạc jazz mà nhiều khán giả thích hay được trình diễn được nhiều như nhạc Pop.
Thậm chí có thể một tác phẩm viết cho phim chỉ được trình diễn một lần khi bộ phim chiếu thôi. Tất nhiên cũng những nhạc sĩ viết nhạc phim nổi tiếng thế giới có sô biểu diễn toàn bản nhạc giao hưởng rất hay viết cho phim. Nhưng đó là ở những nước mà đời sống âm nhạc rất phát triển mới có điều kiện. Còn ở Việt
- Anh có định sẽ làm CD nhạc phim cho mình?
- Thực ra trong đời sống tôi không bao giờ hứa với bất cứ ai hay điều gì cả. Ngay cả khi tôi như chắc chắn làm được điều đấy nhưng nhỡ may ốm hoặc trường hợp gọi là "bất khả kháng" động đất, lũ lụt không làm được thì sao?!...
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Sơn Hà
Theo Vietnamnet