Hollywood từng có một “thế hệ vàng” với vẻ đẹp đã trở thành kinh điển trong lịch sử điện ảnh. Vẻ đẹp hoàng kim ấy đã được lưu giữ hoàn hảo bởi tay máy “phù thủy” George Hurrell - nhiếp ảnh gia từng giúp định hình phong cách cho một thế hệ diễn viên Hollywood .
Trong cuốn sách mới xuất bản của Mark Vieira - một tác giả người Mỹ chuyên viết về lịch sử Hollywood, ông đã cho người đọc thấy bằng cách nào mà một nhiếp ảnh gia lại có thể giúp làm nên tên tuổi cho những diễn viên tại kinh đô điện ảnh.
“George Hurrell's Hollywood: Glamour Portraits 1925-1992” (Một Hollywood dưới ống kính George Hurrel: Những bức chân dung quyến rũ) là cuốn sách ảnh tổng hợp những bức hình chân dung của các ngôi sao nổi tiếng tại Hollywood do nhiếp ảnh gia George Hurrell (1904-1992) thực hiện.
Cuốn sách ảnh đã được xuất bản trong tháng 11 vừa qua. Hình ảnh của nữ diễn viên Jean Harlow được lựa chọn làm hình bìa.
Trong sự nghiệp trải dài gần 7 thập kỷ, thời kỳ hoàng kim của George Hurrell là thập niên 1930-1940. Những diễn viên nổi tiếng trong thời kỳ này được gọi là “thế hệ vàng của
George Hurrell là tay máy đình đám nhất thời kỳ đó, ông được các ngôi sao tên tuổi tranh giành, mời mọc thực hiện ảnh chân dung cho họ.
Những bức hình của George Hurrell luôn chứa đựng sự xa hoa, phù phiếm, vẻ đẹp đài các, sang trọng cần có ở những ngôi sao lớn.
Ở thập niên 1930-1940, khi báo in vẫn còn là phương tiện thông tin phát triển mạnh nhất, những bức ảnh của George Hurrell càng trở nên đắt giá.
George Hurrell đã khắc họa một cách hoàn hảo diện mạo của “thế hệ vàng tại Hollywood”. Cho đến hôm nay, những bức ảnh của ông vẫn được coi là mẫu mực và kinh điển.
Nữ diễn viên Veronica Lake năm 1941. Trong ảnh, cô xuất hiện thật quyến rũ và sang trọng. Các nhân vật trong ảnh của George Hurrell không cần “hở” nhưng vẫn sexy, “cám dỗ”. Thế mạnh trong ảnh ông chính là ánh sáng lung linh, huyền ảo, biết nhảy nhót, chuyển động khiến người ta cảm giác như nhân vật đang tự phát ra hào quang.
Nữ diễn viên Norma Shearer năm 1929. George Hurrell nổi tiếng là một tay máy giỏi nắm bắt tâm lý, tính cách và vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi nhân vật. Khi thực hiện bức ảnh này, Hurrell đã yêu cầu bật đi bật lại bài “When My Baby Smiles at Me” (Khi em cười với tôi) để Norma có được tâm trạng phù hợp cho shot hình.
Nữ diễn viên Norma Shearer năm 1934. Lúc này, Hurrell khai thác vẻ sexy, lộng lẫy của Norma. Nhân vật trong ảnh của George Hurrell không thiếu vẻ gợi cảm hình thể nhưng vẫn khá ý tứ và cổ điển - nét đặc trưng của những tấm ảnh chân dung thời kỳ này.
Nữ diễn viên Marelene Dietrich năm 1937. Khi thực hiện bức hình này, Marelene đã yêu cầu Hurrell vừa chụp hình vừa giữ một tấm gương lớn để cô có thể nhìn thấy mình khi tạo dáng, Hurrell đã chiều lòng người đẹp. Ánh sáng trong ảnh của Hurrell luôn lung linh, ấm áp khiến nhân vật đẹp một cách huyền ảo.
Tài tử điện ảnh Humphrey Bogart. Bức ảnh này của George Hurrell đã đặc tả được sự trầm lặng, ưa suy tư, nghiền ngẫm của tài tử nổi tiếng bậc nhất Hollywood thời bấy giờ. Kể từ sau bức ảnh rất đạt này, mọi bức chân dung khác của Humphrey Bogart đều được thực hiện theo cách mà nhiếp ảnh gia George Hurrell đã “khai phá”.
Nữ diễn viên Joan Crawford trên phim trường “Dancing Lady” (1933). George Hurrell luôn thích các phim trường bởi ở đó, ông tìm thấy những đạo cụ hoàn hảo và sẵn có để phục vụ cho các shot ảnh của mình.
Nữ diễn viên Joan Crawford là “nàng thơ” mà George Hurrell yêu mến nhất. Hurrell tổng cộng đã thực hiện 33 buổi chụp hình với hàng ngàn kiểu ảnh cho Crawford. “Mỗi lần chụp Joan lại là một trải nghiệm mới đối với tôi. Cô ấy luôn thay đổi, lúc thì màu tóc mới, lúc thì cách trang điểm mới, lúc lại kiểu tạo dáng mới…”, Hurrell từng chia sẻ.
Nữ diễn viên Greta Garbo trên phim trường “Romance” (1930).
Nữ diễn viên Joan Crawford và nam diễn viên Clark Gable trong một bức hình quảng cáo cho bộ phim “Love on the Run” (1936).
Nữ diễn viên Jane Russell năm 1941. Những bức hình mà Hurrell thực hiện cho Jane Russell đã giúp cô trở thành người đẹp xuất hiện nhiều nhất trên các tấm poster thời bấy giờ.
Nữ diễn viên Jane Russell năm 1943. Từ thập niên 1950, giới nhiếp ảnh ở Hollywood bắt đầu rơi vào trạng thái bão hòa, Hurrell không còn thường xuyên nhận được những hợp đồng chụp ảnh đắt giá như trước nữa.
Nam diễn viên Arnold Schwarzenegger năm 1985. Hurrell thường sử dụng gương như một đạo cụ làm tăng hiệu ứng hình ảnh.
Nữ diễn viên Sharon Stone năm 1992. Sau hàng chục năm thôi không chụp ảnh, Hurrell cầm máy trở lại hồi thập niên 1980-1990. Ở thời kỳ này, Hurrell chụp hình cho những ngôi sao nổi tiếng như Arnold Schwarzenegger, Diana Ross, Sharon Stone…
Trong cuốn sách ảnh mới xuất bản, nữ diễn viên Sharon Stone đã viết lời tựa như sau: “Đã có một thời kỳ, ông ấy là ông hoàng nhiếp ảnh của Hollywood. Chính tôi cũng đã học được từ ông cách để thực sự trở thành một ngôi sao điện ảnh. Ông - nhiếp ảnh gia tuyệt vời nhất trong những tay máy cự phách của giới nghệ sĩ chúng tôi - George Hurrell”.
Theo Dantri