Nhiều người trẻ đang gỡ bỏ dần những quan niệm truyền thống về hôn nhân. Những bản “cam kết hôn nhân” kì lạ đã ra đời giữa các cặp vợ chồng “hiện đại”.
Không sống chung tuyệt đối
Diệu Minh (khu Văn Thánh, Bình Thạnh, TP.HCM) lấy chồng hồi tháng 3 vừa qua. Diệu Minh 25 tuổi, Huy Tuấn chồng cô 28 tuổi, cả hai ở vào lứa tuổi không trẻ con những vẫn còn đủ “thanh niên” để có một cuộc sống vợ chồng tươi trẻ. Điều đặc biệt ở cuộc hôn nhân của họ là trước khi cưới, họ đã cùng nhau thực hiện một bản “cam kết hôn nhân”.
Diệu Minh đi học ở Úc về, Huy Tuấn thì làm việc ở một công ty của Canada, đi nước ngoài cũng nhiều như ở trong nước, thế nên, họ có một tư duy thoáng đến mức đáng ngạc nhiên. Ban đầu, ý của Diệu Minh là không muốn cưới, chỉ là tình nhân với nhau bền bỉ, cho đến khi nào hết yêu thì thôi. Nhưng rồi, sức ép gia đình và tình cảm cũng đủ lớn để họ tiến tới hôn nhân.
Song mối lo lắng về việc “hôn nhân giết chết tình yêu” thì vẫn thường trực trong lòng cô gái trẻ. Vì thế, để gỡ bỏ mối lo, cô quyết định yêu cầu Huy Tuấn cùng mình thảo ra một bản cam kết nhằm duy trì sự tư do của mỗi bên sau hôn nhân, để hôn nhân không trở thành mối ràng buộc đáng sợ. Anh chồng tiến bộ cũng gật đầu, thế là họ có một bản cam kết lạ đời chưa từng thấy.
Điều thứ nhất của cam kết, là “không sống chung tuyệt đối”. Nghĩa là, mỗi tuần, họ có nghĩa vụ sống cùng nhà với nhau 4 ngày, trong căn hộ chung cư do hai bên gia đình cho. Thời gian còn lại, Diệu Minh, Huy Tuấn có thể thoải mái về nhà mẹ đẻ hoặc đi du lịch, chơi xa với bạn bè (tất nhiên, trừ chuyện ngoại tình là không thể chấp nhận).
Điều thứ hai của cam kết, là không ép đối phương sinh con. Trừ phi cả hai đồng thuận trong kế hoạch sinh em bé, ngoài ra thì, nếu một bên đối phương đã không muốn, thì người còn lại tuyệt đối không được ép, kể cả tác động tâm lý hay gây sức ép bằng lời tỉ tê.
Điều cuối cùng trong bản cam kết, là tuyệt đối tin nhau cho đến khi không thể tin nữa thì thôi. Bởi vì một cuộc sống vợ chồng mà sự tự do được bảo toàn đến vậy, họ bắt buộc phải có lòng tin với nhau thì mới chung sống và duy trì cam kết được.
Đó là lý lẽ của cặp vợ chồng trẻ này. Bẩy tháng đã trôi qua, họ vẫn duy trì được cảm giác thoái mái sau khi kết hôn.
Xin miễn giỗ
Không cam kết giấy, không trịnh trọng và tuyệt đối như cặp đôi Diệu Minh, Huy Tuấn, cặp Lê Thanh - Hùng Hà (Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã có một cam kết miệng nhưng mang ý nghĩa “bắt buộc phải thực hiện”.
Chuyện là, Hùng Hà là con trai thứ hai của một gia đình gốc Bắc. Khi yêu nhau, Lê Thanh đã chứng kiến chuyện anh trai, chị dâu của Hùng Hà cứ một năm phải thu xếp về Bắc đến chục lần để lo cho những cái giỗ của dòng họ, vì khổ nỗi cha của hai anh em là trưởng nam của họ.
Lê Thanh hiểu, mặc nhiên khi lấy nhau, cô và chồng sẽ phải chia sẻ cái “nghĩa vụ ấy”. Mà với Lê Thanh, cô gái hiện đại, con gái một trong gia đình khá giả, ít bà con họ hàng thì chuyện về quê chồng để một tay đảm đương cả cái giỗ lớn là không thể. Chỉ theo người yêu về quê ăn Tết một lần mà cô đã phát hoảng vì phải phụ cái đám giỗ làm rạc cả tay. Mỗi lần chị dâu theo anh rể về quê, trở vào là phờ phạc người.
Vì thế, khi Hùng Hà cầu hôn, cô thẳng thắn rằng, ở anh điều gì cũng khiến em vui, hài lòng, duy chỉ có chuyện giỗ chạp nhà anh là cho em được đứng ngoài. Em thấy sức mình không kham nổi, mà cũng không thể bỏ công ăn việc làm một năm về quê mấy lần, một lần dăm bảy ngày được. Hùng Hà đã đồng ý và hứa sẽ tôn trọng bản cam kết ấy.
Thế là, về sau, những buổi giỗ anh về quê vắng mặt nàng dâu, bà con dòng họ có nói sao anh cũng đành cắn răng mà chịu. Để rồi, cuối cùng hai anh em đành bàn nhau, cùng nói chuyện với gia đình để tiết chế bớt độ linh đình của những lần giỗ chạp, giải phóng cho hai anh em anh những nhiệm vụ nặng nề và tốn kém...
Đàn ông cũng đòi cam kết
Không chỉ có phụ nữ mới đòi... cam kết, mà cả cánh đàn ông cũng mong muốn có được sự tự do tương đối bên trong mái ấm của mình. Là một “phượt thủ”, với đam mê bay nhảy khắp các miền đất lạ, qua 30 tuổi, Thành Trung (Thủ Đức, TPHCM) cưới vợ. Nhưng anh quan niệm, lấy vợ không có nghĩa là kết thúc những giấc mơ đi xa của mình. Nhưng người vợ hiền hậu, tính tình nghiêm túc với nghề nghiệp là cô giáo mầm non cũng làm anh hơi e ngại về vấn đề “tự do sau hôn nhân”.
Thế là, trước lúc kết hôn, anh đã khéo léo yêu cầu vợ sắp cưới cam kết một điều: Đừng ràng buộc chồng quá mức. Anh yêu cầu, một tháng, hoặc ít nhất là hai tháng, hãy cho anh được làm một chuyến đi xa vào dịp cuối tuần với các “chiến hữu” của mình. Phải đủ thoáng và đủ niềm tin lắm mới chấp nhận được điều đó. Thành Trung đã nhận được cái gật đầu từ vợ sắp cưới sau hai tháng suy nghĩ thấu đáo. Và sau đó, hôn nhân của họ vẫn rất bình yên, dù cứ một, hai tháng, vào ngày nghỉ, anh chồng lại xách ba lô lên đường...
Những kiểu “cam kết hôn nhân” ấy khá lạ, nhưng với nhiều người trẻ bây giờ, đó là điều “đáng khuyến khích” khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng. Tuy nhiên, điều họ quên là biết tiết chế cái tôi, biết giới hạn sự tự do và đôi khi biết cả hy sinh một chút niềm vui của mình vì gia đình mới chính là bí quyết của hôn nhân hạnh phúc.
Theo PLVN