Dân gian vẫn có câu ví, phận ở rể nhục như “chó chui gầm chạn”. Nghe thì có vẻ phong kiến và cay nghiệt, nhưng thực tế, đến bây giờ cái sự ví von này vẫn được nhiều người mang ra sử dụng.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Vì thế nhiều chàng trai dù không thích nhưng vẫn “cam tâm” gửi phận bên nhà vợ; cũng có chàng, xác định tư tưởng sẵn sàng, nhưng rồi có lúc lời qua tiếng lại, lời ra tiếng vào cũng không khỏi chạnh lòng. Người vợ, trong trường hợp này phải cực kỳ khéo léo mới có thể “cân bằng” được cuộc sống vợ chồng.
1. Khéo léo và tế nhị
Hãy chứng tỏ bạn là người vợ khéo léo, tế nhị, hiểu chồng, đồng thời biết dung hòa mối quan hệ với bố mẹ để các cụ không mất lòng kẻo lại rơi vào tình huống khó xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Bên cạnh đó, bạn cũng luôn tạo ra bầu không khí vui vẻ trong gia đình, làm “cầu nối” giữa chồng và bố mẹ để họ có nhiều không gian và thời gian tham gia các hoạt động chung, từ đó có cơ hội hiểu nhau hơn.
2. Để chàng thấy, bạn luôn coi trọng “gia đình nhỏ” của mình
Khi sống cùng với bố mẹ chồng, vợ chồng bạn có thể cãi nhau “tay đôi” trước sự chứng kiến của bố mẹ chồng, nhưng khi vợ chồng bạn đang sống cùng nhà với bố mẹ đẻ của bạn, khi hai người có xung đột, hãy “đóng cửa bảo nhau”. Chớ nên vội vàng để mọi người trong nhà biết khi cả hai chưa cùng nói chuyện vì điều này sẽ gây ra hậu quả không hay chút nào. Bố mẹ bạn có thể thông cảm cho vợ chồng bạn, nhưng bản thân chồng bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương và cảm thấy khó “nhìn mặt” bố mẹ vợ hơn bình thường, từ đó có thể kéo theo những khó khăn trong việc ứng xử hằng ngày. Bây giờ hai người đã là một “gia đình”. Cần học cách vun vén cho “gia đình nhỏ” của mình ngay trong “gia đình lớn” với cha mẹ và anh chị em của bạn.
Đây là cách bạn thể hiện sự tôn trọng với chồng. Cư xử khéo léo khiến chàng không mất mặt trước “nhà vợ” dù lỗi có do ai. Chắc chắn khi “trời yên, biển lặng” chàng sẽ hiểu và thầm cảm ơn sự khéo léo, nhạy cảm và “hy sinh” của bạn.
3. Làm cầu nối để bố vợ và con rể thành đôi bạn “tâm giao”
Không quá khó để bố vợ và con rể trở thành “bạn tâm giao” khi tạo cơ hội cho cả hai xích lại gần nhau qua các sở thích chung như đánh cờ, cùng chăm cây cảnh, tranh luận về các vấn đề thời sự... Là người ở giữa, bạn có thể khéo léo “đánh tiếng” để bố vợ biết rằng con rể rất ngưỡng mộ các chiến công oanh liệt của bố trong kháng chiến, đồng thời để con rể biết rằng nhạc phụ của chàng đánh giá chàng rất cao về sự trí tuệ cũng như cách ứng xử của chàng.
4. Trở thành đồng mình của chồng
Bố mẹ luôn là người hiểu và chiều con gái nhất, vì vậy, nếu bạn có lỡ làm bố mẹ phật ý vì chồng, ông bà cũng sẽ nhận ra và thông cảm cho bạn. Nhưng nếu đứng về phía bố mẹ mà làm chồng bị tổn thương, e là vết thương sẽ khó lành hơn rất nhiều. Vì vậy, trừ khi chàng làm điều gì quá đáng, còn không, bạn hãy luôn đứng về phía chồng khi giữa bố mẹ và chồng có “vấn đề”. Không ai hiểu con bằng cha mẹ, vì vậy bạn hãy thẳng thắn chia sẻ với các cụ những khó khăn của chàng khi phải “ở rể”. Chắc chắn hai cụ sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho bạn, qua đó cũng hiểu con gái, con rể nhiều hơn.
Bạn hãy luôn nhớ là đừng bao giờ để mất “liên lạc” với chồng vì lúc đấy bạn sẽ không biết chàng nghĩ gì và phải làm gì để cải thiện tình hình. Việc này khiến chàng cảm thấy lạc lõng giữa gia đình nhà vợ. Thường xuyên trao đổi tâm sự, quan tâm đến chàng.