Say nắng là hiện tượng rất thường xuyên gặp phải vào mùa hè ở cả trẻ em lẫn người lớn. Đây là một hiện tượng có thể gây nguy hiểm nếu bạn không biết cách xử lý tốt và có thể gặp những hậu quả khó lường. Con gái xin gửi đến bạn một số lưu ý để hạn chế bị say nắng cũng như cách xử lý khi gặp người bị say nắng.
Say nắng là một tình trạng đe dọa tính mạng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể đạt đến 40 độ C hoặc cao hơn. Nguyên nhân thường do cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể, dẫn đến nhiều rối loạn ở các cơ quan, nhất là hệ thần kinh.
Nóng và ẩm là những yếu tố bất lợi cho sức khỏe con người, nếu ta không chú ý phòng chống nắng, chống nóng không tốt rất dễ bị cảm nắng, say nắng, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.
Bình thường, khi cơ thể bị nóng quá mức, "trung tâm điều hòa nhiệt" ở não có các biện pháp giải nhiệt, chủ yếu bằng cách tiết mồ hôi. Ở trẻ em, trung tâm này chưa phát triển hoàn chỉnh nên sự giải nhiệt không tốt, khiến trẻ rất dễ bị "say nắng" khi cơ thể phải phơi nắng quá lâu. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao hoặc lao động thể lực nặng nhọc, cơ thể sẽ thải bớt nhiệt. Sự thải nhiệt của cơ thể chủ yếu bằng cách khuyếch tán, dẫn truyền nhiệt qua da và bay hơi mồ hôi trên da. Như vậy da là bộ phận chống nóng quan trọng. Nếu gặp điều kiện bất lợi cho sự khuếch tán, dẫn truyền và bốc hơi (như trời đứng gió, không khí không lưu thông, ẩm độ không khí cao...) rất dễ xảy ra cảm nắng, say nắng.
Triệu chứng của cảm nắng, say nắng - Trường hợp nhẹ, người bệnh có cảm giác khó thở, mỏi mệt như sắp ngất, mặt đỏ, da khô và nóng, các mạch máu ở cổ, thái dương đập mạnh, các động tác chậm chạp, thiếu chính xác, có thể sốt 38-39 độ C.
- Trường hợp nặng, ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân bị nhức đầu nhiều, chuột rút, đau bụng, nôn mửa, có thể ngất, mê man, ngừng thở, tim đập nhanh... Có những trường hợp bệnh xuất hiện rất đột ngột, người bệnh đang làm việc ngất đi ngã tại chỗ, co giật, mê man... Nhịp thở yếu, nhanh, mạch yếu, khó bắt hoặc không còn. Đây là những trường hợp rất nặng, nếu không được cấp cứu nhanh chóng và có hiệu quả thì rất dễ tử vong.
Xử trí ngay tại chỗ những trường hợp cảm nắng, say nắng
- Cần nhanh chóng đưa người bệnh vào chỗ mát, thoáng gió, nới hết quần áo, bỏ tất cả những thứ gì cản trở cho sự hô hấp, tuần hoàn. Lấy khăn to nhúng nước lạnh, vắt ráo rồi lau khắp cơ thể, đắp khăn mát lên trán, cho uống nước chè đường, nước bột sắn dây, nước chanh quả, quạt nhẹ.
- Đối với trẻ nhỏ, đặt trẻ nằm trong một phòng thoáng mát, cởi hết quần áo, dùng khăn thấm nước mát đắp lên đầu, lên trán trẻ. Dùng một khăn khác, cũng thấm nước mát, lau nhẹ nhàng mình mẩy, chân tay trẻ. Bên cạnh đó, cho trẻ uống nước đầy đủ (nước trái cây, nước khoáng, hoặc nước đã đun sôi để nguội). Cho uống từ từ, ít một để tránh nôn.
Điều cần chú ý là phải để bệnh nhân nằm nghỉ và theo dõi sức khỏe trong vòng 24 giờ, không nên thấy người bệnh đã dễ chịu lại để tiếp tục làm việc ngoài nắng, rất dễ bị say nắng lại và lần sau sẽ nặng hơn lần trước.
Theo GDVN