Nếu là một phụ nữ bị chồng đánh cho thâm tím mặt mày thì ai cũng xuýt xoa thương xót. Nhưng ngược lại nếu là đàn ông bị vợ đánh thì đa phần họ sẽ bị thiên hạ nhìn với con mắt dò xét rồi có khi còn bình luận những câu rất vô tình.
Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp chồng bị vợ bạo hành, nhưng chẳng ai đứng ra ngăn cản mà họ chỉ giương mắt lên xem rồi bình phẩm nọ kia. Trường hợp ông Tùng hàng xóm nhà tôi cũng tương tự. Ông Tùng đường đường là một cán bộ nhà nước, còn vợ ông bán thịt lợn ở chợ. Chênh lệch trình độ là một nhẽ, về ngoại hình, vợ chồng ông Tùng cũng chẳng có điểm gì gọi là xứng đôi vừa lứa. Ông Tùng thì bé bé thư sinh mà bà vợ, nói như các cụ ngày xưa là “to như cái cối lỗ”. Nghe bảo, trước đây lúc ông Tùng sắp lấy bà này, ai cũng gièm là cặp đũa lệch khó nên cơm cháo. Thế nhưng bố mẹ ông ở quê thì lại “khoái” con dâu to khỏe. “Buôn thịt thì đã sao? Nó khỏe nó còn sinh con đẻ cái, nó kiếm ra tiền. Sau chúng tao già còn trông cậy vào vợ chồng mày chứ lấy vợ đồng nghiệp lương cán bộ quèn có mà chết đói”.
Vợ chồng ông Tùng lấy nhau xong nghe đâu chỉ yên ổn được chừng một năm thì bà vợ sinh thói dở nết với lý do “Tưởng lấy ông cán bộ nhà nước thì đời tôi đỡ khổ. Ai ngờ vẫn phải làm con buôn thịt. Đã thế còn phải gánh thêm mấy của nợ (ý nói ông Tùng và cả bố mẹ già của ông)”. Hóa ra bà lấy ông Tùng cũng là có chủ đích, tưởng được nở mày nở mặt, đâu ngờ ông Tùng cũng chỉ là nhân viên quèn nghèo kiết xác, đã thế sức khỏe lại kém nên ngoài những việc nhàn hạ ở cơ quan ông chẳng làm thêm được gì.
Sau một thời gian chung sống, phát hiện thứ mình cần thì chồng không có, bà phải gánh vác hết mọi việc trong nhà, ngoài ngõ lại thêm bố mẹ chồng ở quê nay ốm mai đau, tiền chữa bệnh cũng vợ chồng ông phải lo hết, bà như nổi điên. Bỏ quách ông chồng ròm đi cho nhẹ nợ thì bà chẳng nghĩ đến nhưng hàng ngày cứ mang ông Tùng ra hành cho bõ tức. Đã vậy, hết kêu than rồi chửi bới, ông Tùng cũng chỉ im lặng nhẫn nhục. Bà lại càng tức, chán chửi chồng thì quay sang dựng cả tông ti họ hàng nhà chồng lên để chửi.
Ông Tùng thì cứ nghĩ “vợ nói mãi khắc chán”, “tránh vợ chẳng xấu mặt nào”. Nói mãi mỏi mồm mà ông cứ im như thóc giống càng khiến bà thêm sôi máu, dần dà, bà gia giảm cho lão chồng vài cái giúi, cốc, thụi... Về sau mỗi lần “lên cơn” thì bà cứ thẳng tay mà nện cho hả tức.
Nhiều lần bị vợ đánh đau lắm nhưng ông Tùng vẫn phải nhịn, không phải vì không dám phản kháng mà sự thực là sức ông đánh không lại bà vợ lực điền. Ông còn lo nếu làm vợ phật ý thì kiểu gì bố mẹ ông cũng bị cắt khoản viện trợ tiền thuốc thang hàng tháng. Thế nên ông cố chịu đựng. Mà được cái bà rất biết “giữ thể diện” cho chồng. Lần nào đánh chồng bà cũng đóng cửa kín mít nên hàng xóm chẳng ai biết mà can thiệp suốt mấy năm trời.
Một lần, ông Tùng được vợ nhờ đi giao thịt lợn. Vốn chẳng quen việc, ông bị người ta lừa cân điêu, mất khoản tiền lớn. Khổ ông Tùng, mang tiền về cho vợ lại hí hửng tưởng được việc, thế nào vợ cũng khen vài câu, định từ nay sẽ cố gắng giúp vợ. Kiểm tiền xong thì bà vợ rít hai hàm răng lại với nhau gầm lên rồi túm gáy ông như túm con mèo ném văng vào gầm chạn.
Ông Tùng chẳng dám hé răng cự cãi. Chỉ sẽ sàng bảo vợ: “Thôi mất rồi thì thôi, từ sau tôi cẩn thận hơn”. Bà vợ điên tiết cho rằng chồng đã ăn hại còn già mồm, vớ ngay cái búa đinh gần đấy, vừa dứt câu “bà đập cho chết bớt cái của nợ này” thì chiếc búa táng thẳng vào đầu ông T.
Quá bất ngờ, ông T chỉ kịp kêu “á” một tiếng, máu chảy ướt mặt rồi ngất lịm. Thấy máu tóe loe, bà hốt hoảng kêu cứu, hàng xóm mới chạy sang đưa ông T đi cấp cứu. Ấy thế mà vào viện sau khi tỉnh lại bác sĩ hỏi nguyên do, ông T lại nói “giữ thang cho vợ đóng đinh nên bị búa rơi vào đầu”.
Đúng là thời nào cũng thế, phụ nữ bị đánh còn dám kêu “Ối làng nước ơi cứu tôi với, thằng chồng nó đánh chết tôi rồi”. Còn đàn ông bị vợ đánh, đố anh nào dám lên tiếng. Dù tôi chắc chắn số phái mạnh bị phái yếu bạo hành chẳng hề ít nhưng chỉ vì cái sĩ diện hão của bản thân mà cố “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Cứ nói phụ nữ giỏi chịu đựng, nhưng đàn ông họ giỏi hơn nhiều. Bao nhiêu tổ chức xã hội về phòng chống bạo lực gia đình, “nhà tạm lánh”, “nhà bình yên” nhưng mà hình như chỉ dành cho phụ nữ.
Theo M.T
Vietnamnet