Luật Hôn nhân và gia đình công nhận quyền sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ/chồng, nhưng trên thực tế, vì vô tình và cả cố ý, không ít người đã ngang nhiên “xài ké”, thậm chí biển thủ tài sản riêng của bạn đời.
Màn kịch mất của
Cuối tháng 10/2013, chồng chị Kim Huế (buôn bán vật liệu xây dựng ở Q.7, TPHCM) chạy xe của chị đi chơi, lượt về lại ngồi xe ôm. Mặt buồn rười rượi, miệng méo xệch, ông chồng thông báo: “Xe mất rồi!”. Chị Huế bàng hoàng, chết lặng... Với nhiều người, chiếc xe không phải một tài sản lớn, nhưng với chị Huế, đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt chị phải tích cóp rất lâu trước khi kết hôn.
Báo xe mất, nhưng chồng chị Huế lại bàn lùi khi chị đòi báo công an. Anh viện đủ lý do, nào là năm xui tháng hạn thì mất đồ phải chịu, nào là “của đi thay người”, báo công an chắc gì tìm lại được, không khéo còn bị giang hồ trả thù… Chồng càng cản, chị Huế càng sinh nghi và kiên quyết truy tìm thủ phạm.
Khi công an vào cuộc, chị Huế vô tình nghe lén được cuộc điện thoại của chồng với một người lạ, người này la lối chồng chị đã “luộc phụ tùng” xe trước khi bán cho ông ta. Dò hỏi, chị biết chồng không còn giữ giấy đăng ký xe và chìa khóa, chị đoán rằng xe bị đem bán chứ không phải mất trộm. Chồng chị cũng biết đã vỡ lở mọi chuyện, nên không dám về nhà. Anh gửi tin nhắn xin vợ tha thứ và nhờ con cái, người thân năn nỉ dùm. Chị Huế suy sụp, tuyệt vọng vì tới lần này thì chị đã mất hết lòng tin ở chồng. Trước đây, chồng chị từng lấy tiền buôn bán của vợ để chơi bài bạc, khi vài triệu, khi vài trăm. Có lần, chị định dùng số vàng dành dụm từ thời con gái để đưa anh ruột trị bệnh thì tá hỏa: Bốn lượng vàng đã “bốc hơi” cùng chồng tự bao giờ.
Tài sản riêng có thể bị “sung công”
Hiện có nhiều người chung cảnh ngộ như chị Huế: Hai vợ chồng nhưng “người làm người phá”. Tuy vậy, chẳng mấy ai lại đi kiện vợ/chồng mình. Với những trường hợp nạn nhân cương quyết đi đến cùng để làm rõ trắng đen và đòi sự công bằng thì việc chứng minh của mất đi là tài sản riêng cũng không dễ.
Là con một nhưng khi kết hôn, chị Hoàng Oanh (bán tạp hóa ở Q.1, TPHCM) không thể chung sống, phụng dưỡng cha ruột ở huyện Bình Chánh (TPHCM) do chồng chị để bụng chuyện cha chị từng ngăn cản hôn nhân. Vợ chồng chị gom góp tiền mua căn hộ tầng trệt chung cư tại một quận nội thành TPHCM. Cuộc sống khá bình yên cho đến năm 2006, chị bị tai nạn giao thông, mất một chân. Đi đứng khó khăn, lại ngại tiếp xúc với bên ngoài, chị Oanh thôi việc, ở nhà vừa chăm con nhỏ vừa bán tạp hóa.
Cha qua đời, chị được thừa kế căn nhà ở huyện Bình Chánh. Vì hai nhà cách xa, không tiện coi sóc, chị định cho thuê căn nhà đó, nhưng chồng không đồng ý, muốn cho người quen ở nhờ. Chị Oanh không chịu thì chồng chì chiết, cho chị là ích kỷ, tính toán. “Đất không chịu trời thì trời đành chịu đất”, chị buông xuôi.
Tuần trước, con gái chị Oanh theo cha ghé thăm căn nhà của ông ngoại. Vô tình, cô bé lật sổ liên lạc của cậu con cô Hằng ở nhờ nhà, thấy tên họ cha cậu bé đúng là tên họ của cha mình. Té ra, cô Hằng không phải là em bà con như chồng chị Oanh nói, mà đích thị là vợ bé. Chưa hết bàng hoàng, uất hận, chị Oanh lại nghe hàng xóm báo tin khẩn rằng có nhóm “xã hội đen” đến nhà quát tháo, đập phá, đòi xiết nợ. Chị hoang mang, bức xúc, đem mọi chuyện hỏi cho ra lẽ. Chồng chị trơ tráo: “Cô tật nguyền, không thể cấm tui kiếm thêm vợ. Cô ngồi ăn núi lở, bệnh tật liên miên, tiền tôi làm ra không đủ lo cho mẹ con cô nên mới cầm nhà. Tui là chồng, tui có quyền chứ! Nhà nào là nhà của cô? Đã đăng ký kết hôn thì tất cả là tài sản chung. Cô có giỏi thì kiện đi!".
Không còn tình cảm, mâu thuẫn trầm trọng, chị Oanh quyết định nộp đơn ly hôn và nhờ tòa giải quyết về tài sản. Tưởng sẽ dễ dàng đòi lại căn nhà, không ngờ khi nghe luật sư tư vấn, chị Oanh mới biết mình có nhiều vướng mắc, bất lợi: Chị phải đóng án phí dựa trên tỷ lệ phần trăm giá trị căn nhà; tuy là tài sản thừa kế của chị, nhưng nhà chưa có sổ hồng và chị cũng chưa đứng tên; việc chị nhờ chồng quản lý nhà, đi đóng thuế và thực hiện một số giao dịch cũng thể hiện sự tự nguyện sáp nhập tài sản này vào khối tài sản chung; chồng chị hiện lưu giữ rất nhiều hóa đơn, chứng từ chi tiêu của gia đình để chứng minh thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên phải “hy sinh” căn nhà. Chị Oanh biết rõ trong số đó có rất nhiều khoản chồng chi cho vợ bé, con rơi, nhưng không biết làm sao để chứng minh.
Nên rạch ròi từ đầu
Ngày nay, không ít người lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” đối với quyền sở hữu tài sản riêng là căn hộ trả góp (tài sản hình thành trong tương lai). Người mua đã một mình trả góp nhiều đợt trước kết hôn, nhưng đến khi làm sổ hồng thì phải đứng tên cả vợ và chồng (vì thời điểm này người mua không còn độc thân). Nếu sống không hạnh phúc, ra tòa ly hôn, người còn lại có quyền đòi chia đôi tài sản. Hoặc, đối với tài sản vợ hoặc chồng được thừa kế, cho tặng riêng thì khi đang đầm ấm, người được cho tặng thường không nghĩ đến việc rạch ròi quyền sở hữu. Trong nếp nghĩ của người Việt Nam xưa nay, tài sản luôn được nhìn nhận dưới góc độ “của chồng công vợ”, đã kết hôn thì nghiễm nhiên tất cả là của chung, bất kể nguồn gốc tài sản từ đâu. Chỉ đến khi vấp phải những hệ lụy khó gỡ, người trong cuộc mới tiếc nuối “phải chi mất lòng trước được lòng sau...”.
Sự “mất lòng trước...” này thật ra cũng không quá phức tạp nếu vợ chồng đã thỏa thuận bằng văn bản (ở phòng công chứng) về tài sản tiền hôn nhân và có ý thức bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình trong quá trình chung sống. Điều này sẽ giúp tránh những mất mát, hao hụt về vật chất cũng như tình cảm cho đôi bên khi tranh chấp xảy ra.
Theo Tô Diệu Hiền
PNO