Nỗi khổ... nhà giàu

 Cuộc sống khó khăn, thiếu trước hụt sau là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng lục đục, thậm chí chia tay. Nhưng với không ít gia đình, khi kinh tế phất lên, đời sống vật chất sung túc thì cũng là lúc tình cảm dần đội nón ra đi.

 Nỗi khổ... nhà giàu

Tiền tăng, tình giảm!

Theo thống kê của nhiều tòa án quận, huyện ở TPHCM, những vụ ly hôn có yếu tố kinh tế đang là vấn đề nổi cộm.

Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chánh án TAND Q.10, TPHCM cho biết, những vụ ly hôn dạng này thường có các điểm chung: Chồng/vợ thành đạt, có tài sản có giá trị cao và thông thường, tiền của chủ yếu do một người tạo ra.

Vợ chồng chị Hồng Thu - anh Văn Hoàng (đã được đổi tên) cưới nhau năm 1996, sau khi cả hai vừa tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm ổn định. Chị công tác tại một nhà xuất bản, anh là nhân viên một công ty kinh doanh hàng điện tử. Vào thời điểm đó, thu nhập của cả hai vợ chồng chẳng là bao, nhưng khó khăn về kinh tế không hề ảnh hưởng tình cảm của đôi vợ chồng son. Anh chị tiêu pha dè xẻn, tiết kiệm, dành dụm tiền chuẩn bị sinh con, còn gửi tiền lo cho cha mẹ hai bên đang ở quê.

Năm 1998, họ có con trai đầu lòng. Anh cũng được thăng chức với mức lương gấp 3-4 lần so với trước. Cuộc sống sang trang mới. Anh lại có thêm nghề tay trái là môi giới, mua bán nhà, đất. Gặp thời, anh mua một bán bốn, năm nên giàu lên nhanh chóng. Vợ chồng anh từ giã căn nhà cấp 4 trong hẻm sâu, ra căn nhà 3 tầng ở mặt tiền. Ngoài ra, anh chị còn có hai miếng đất và một căn nhà cho các anh em của anh ở.

Nhưng, từ khi họ giàu lên thì niềm vui trong nhà cũng giảm dần. Dường như anh sống chỉ với mỗi mục đích kiếm tiền. Anh ít khi ăn cơm nhà, thường xuyên đi sớm về trễ vì phải đi giao dịch, ký hợp đồng với khách hàng.

Sống trong nhung lụa, nhưng chị luôn khóc thầm vì cô đơn. Mỗi khi chị nhắc nhở về sớm, anh gắt: “Anh đi làm chứ có phải đi chơi đâu. Em kiếm tiền được như anh, anh sẽ ở nhà cả ngày”.

Cứ thế, khoảng cách giữa vợ chồng ngày càng xa và sau một lần vợ chồng lớn tiếng với nhau, chị đã nộp đơn ly hôn vì không còn muốn sống cảnh có chồng cũng như không.

Vợ chồng anh Hữu Bình - Kim Liên, ở Q.10 cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: Thời cơ hàn thì ấm êm, hạnh phúc; nhưng cưới nhau hơn 10 năm vẫn không khấm khá, chị đã quyết định làm một cuộc cách mạng. Chị nghỉ việc tại một cơ quan Nhà nước, vay tiền sang sạp vải trong chợ ở Q.5.

Mua may bán đắt, chị phất lên như diều gặp gió và bảo anh bỏ nghề dạy học để phụ chị bán vải. Nghe vợ, anh cũng theo, nhưng cái chất hiền lành, điềm đạm của nghề giáo khiến anh không thích ứng được với việc mua bán. Sự chậm chạp, lóng nga lóng ngóng của anh khi bán hàng, nhất là lúc đông khách, còn làm chị bực mình hơn. Thế là chị cho anh về “hưu non”, ở nhà đưa đón con đi học, coi sóc nhà cửa.

Từ trụ cột gia đình trở thành “quản gia” với sự kiểm soát và phân phát tài chính của vợ, anh buồn nản. Lại thêm rảnh rỗi, anh bắt đầu nhậu nhẹt và đâm ghiền lúc nào chẳng hay, khiến chị càng thêm khó chịu. Mỗi tối về nhà, thấy anh ngồi lè nhè bên chai rượu, chị cáu tiết mắng: “Đã không giúp được vợ con thì thôi, còn đổ đốn ra”.

Anh không nói gì, chỉ lẳng lặng nốc rượu. Càng kiếm được nhiều tiền, chị càng thấy chồng trở nên tệ hại, bất tài. Vì thế, những lời quát nạt, miệt thị chồng của chị mỗi ngày một tăng. Còn anh, càng buồn càng nhậu nhiều hơn. Không khí vui vẻ, đầm ấm của gia đình trước đây thực sự biến mất. Đến giữa năm 2007, chị quyết định chia tay.

Rắc rối tài sản

Những vụ ly hôn xuất phát từ lý do kinh tế thường phức tạp, rắc rối gấp trăm lần những vụ ly hôn vì lý do tình cảm, khi phân chia tài sản. Sự rắc rối này xuất phát từ chỗ một bên trực tiếp kiếm ra tiền, còn một bên chỉ ở nhà lo trông con, nội trợ... hoặc làm việc với thu nhập thấp hơn nhiều nên phát sinh sự tranh công, tranh tài sản.

Đây là một cuộc chiến căng thẳng, quyết liệt mà phần thua thường rơi vào người trấn giữ “hậu phương” - một công việc do hầu hết chị em phụ nữ đảm nhiệm.

Có nhiều chị khi ra tòa mới thấy, họ rất giỏi chuyện chăm sóc chồng con, quán xuyến gia đình, nhưng lại mù mờ về chuyện làm ăn, tài sản của vợ chồng. Các chị chỉ biết nhà mình rất giàu, có nhiều đất, nhiều nhà và nhiều tiền nhưng chính xác là có bao nhiêu thì... không biết, chỉ biết mỗi ngôi nhà mà vợ chồng đang sống. Khi kê khai tài sản để nhờ tòa giải quyết, phân chia, các chị cứ ngồi thừ ra, bối rối vì khai ít thì thiệt thòi mà kê khai nhiều lại sợ không có đủ chứng cứ để chứng minh là tài sản chung của vợ chồng.

Trong trường hợp chị Thu - anh Hoàng đề cập ở trên, ra tòa, anh Hoàng chỉ thừa nhận tài sản chung của vợ chồng là căn nhà mặt tiền. Anh nói: “Người làm ra tiền mua nhà là tôi. Thu nhập của vợ rất thấp, chỉ đủ gửi tiền về quê cho gia đình cô ấy. Cô ấy không đóng góp tiền của để xây dựng, chỉ có công chăm sóc gia đình nên tôi không đồng ý chia đôi”. Còn hai miếng đất ở Thủ Đức và căn nhà ở Q.Bình Thạnh, anh bảo đó là của cha mẹ anh và anh trưng ra giấy tờ do cha mẹ và em của anh đứng tên sở hữu.

Chị uất ức: “Tất cả tài sản đó là của chúng tôi. Lúc trước, chúng tôi sống rất hạnh phúc, mỗi lần mua thêm được đất đai, nhà cửa cả hai đều hội ý. Tôi rất tin anh nên không đòi hỏi phải đứng tên chung, chỉ lo làm thế nào để con ngoan, chồng có bữa ăn ngon. Nào ngờ, anh ta lại đối xử với tôi như thế!”.

Tuy nhiên, sau gần cả chục phiên xử (do vợ chồng tranh cãi quyết liệt, xin tạm hoãn phiên tòa để bổ sung chứng cứ...), tòa chỉ chấp thuận yêu cầu chia đôi căn nhà mặt tiền. Số tài sản còn lại trị giá hơn 7 tỷ đồng, chẳng những chị không được chia (vì không chứng minh được là tài sản chung), mà còn phải đóng mấy trăm triệu đồng án phí.

Vụ ly hôn của anh Bình và chị Liên thì kéo dài mãi chưa xử xong, vì hai bên không thống nhất được tài sản chung. Chị nói tài sản ít, nhưng công của chị nhiều. Anh cho rằng tài sản được tạo dựng gấp 5 lần chị khai, mà “của vợ công chồng” nên phải chia đôi. Hiện cả hai đều mướn luật sư để cố giành phần thắng.

Những tranh chấp trên không chỉ làm người trong cuộc căng thẳng, mệt mỏi mà người thân của họ và tòa cũng đau đầu, vì tài sản tranh chấp không chỉ có nhà cửa, đất đai, mà cả những “của chìm” có giá trị, như cổ phiếu chẳng hạn. Đây là tài sản mà vợ/chồng rất khó kiểm soát nếu một bên cố ý giấu.

Thẩm phán Minh Hương khuyên: “Mọi thứ phải hành xử theo pháp luật, trong đó chuyện công khai, minh bạch tài sản trong nhà là cần thiết và các cặp vợ chồng hãy xem đó là việc bình thường. Việc này sẽ giúp vợ chồng tránh được những nghi ngờ, mâu thuẫn trong quá trình chung sống hoặc rắc rối phát sinh và thiệt thòi phải gánh khi chia tay. Đồng thời, nó cũng giúp vợ chồng cùng có trách nhiệm để giữ gìn tài sản hay cố gắng làm việc để tạo ra của cải và đặc biệt là sẽ hiểu nhau hơn”.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để gia đình có tiền mà hạnh phúc không suy giảm. Vợ chồng nên cân đối thời gian giữa gia đình và công việc. Kiếm tiền là quan trọng, nhưng gia đình còn quan trọng hơn. Về nhà trò chuyện với vợ, chơi đùa với các con là niềm vui, hạnh phúc mà không tiền bạc nào mua được.

 

Theo Thùy Dương

Phụ Nữ

5 211
Xem thêm chủ đề: nỗi khổ, nhà giàu, hôn nhân
Chia sẻ bài này trên:
Kết bạn với CONGAI.ZZZ.VN trên facebook
Hãy gửi chia sẻ của bạn tới bài viết này qua địa chỉ mail zzz.vn@gmail.com Bài viết của bạn sẽ được đăng tải trên trang trong thời gian sớm nhất. Thông tin do bạn đọc cung cấp và chịu trách nhiệm về tính xác thực. zzz.vn giữ quyền biên tập và thay tên, địa chỉ nếu cần.
Bài nhiều người quan tâm