3 kịch bản có thể xảy ra với giàn khoan Hải Dương 981

 Từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và nỗ lực hết sức để bảo vệ hòa bình. Nhưng giờ đây, một lần nữa Việt Nam lại phải đối mặt với tình trạng bị "giặc đến nhà", buộc phải hành động kiên quyết theo luật pháp quốc tế.

 3 kịch bản có thể xảy ra với giàn khoan Hải Dương 981

Giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Việc chính quyền Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam đã làm sôi sục phản ứng nơi nơi trong người dân đất Việt.

Không chỉ ở trong nước, Việt kiều sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới cũng hờn căm ngút trời trước những hành động xâm phạm và gây hấn trắng trợn của Bắc Kinh ở vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, chính giới, học giả và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới cũng đang một lòng hướng về Biển Đông với tinh thần ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của hơn 90 triệu người dân đất Việt.

Quan điểm chung của dư luận đều cho rằng hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là sự xâm lược có chủ đích, thể hiện rõ chủ nghĩa bành trướng bẩn thỉu trước toàn thế giới nhằm thâu tóm Biển Đông, từng bước hiện thực hóa chiến lược “đường 9 đoạn” về mở rộng lãnh thổ, lãnh hải của mình.

Điều không may là Việt Nam nằm ngay cạnh một nước láng giềng tráo trở và ngang ngược.

Trong bài bình luận mới nhất của hãng Xinhua đăng ngày 11/5, Trung Quốc vẫn cố tình "đổi trắng thay đen" khi cho rằng hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là phù hợp với luật pháp quốc tế và việc tàu Trung Quốc va chạm với tàu cảnh sát biển Việt Nam do lỗi từ phía các tàu Việt Nam.

Trước những hành động phi pháp, ngang ngược và sự lật lọng trong lập luận của Bắc Kinh, giới phân tích đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra ở Biển Đông trong thời gian tới.

Thứ nhất, dưới sự đấu tranh cương quyết nhưng hiệu quả của Việt Nam và sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế, Trung Quốc sẽ phải rút hẳn giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi khu vực hạ đặt.

Đây là phương án đúng đắn nhất và tốt nhất cho việc giải quyết hòa bình tình hình căng thẳng ở Biển Đông, song điều này sẽ rất khó diễn ra trước ngày 15/8, thời điểm Trung Quốc kết thúc hoạt động khoan thăm dò sau khi đã hạ đặt thành công giàn khoan trị giá 1 tỷ USD.

Thứ hai là Trung Quốc ngang nhiên duy trì hoạt động vĩnh viễn của giàn khoan bất chấp phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế. Đây là kịch bản không mong muốn đối với mọi người dân yêu chuộng hòa bình và những người đề cao sự tuân thủ luật pháp quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu giàn khoan Hải Dương-981 không được rút khỏi vị trí hiện nay thì nó không chỉ tạo ra tình trạng căng thẳng kéo dài và gây mất lòng tin trầm trọng giữa hai nước, mà còn làm thay đổi cục diện Biển Đông theo hướng Trung Quốc sẽ “gặm” dần từng vùng biển nằm trong tầm ngắm của nước này, bất chấp luật pháp quốc tế.

Thứ ba, để tránh đẩy căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát khiến Mỹ có cớ tiến hành các hoạt động can dự trực tiếp, Trung Quốc sẽ tạm thời cho rút giàn khoan nhưng chỉ một thời gian sau sẽ lại triển khai hạ đặt.

Việc hạ đặt và rút giàn khoan sẽ được Trung Quốc tiến hành nhiều lần và tại các địa điểm khác nhau nhằm tạo thành tiền lệ về hình thức hoạt động mới của các “chiến hạm di động” trên Biển Đông.

Ngoài ra, theo thời gian, chiến lược “tiến - lùi” này của Trung Quốc còn nhằm mục đích tạo cho dư luận khu vực và thế giới hình ảnh quen thuộc về các hoạt động xâm chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo giới chuyên gia, dù kịch bản nào xảy ra thì Việt Nam - với tư cách là nước bị xâm hại chủ quyền lãnh thổ - cũng sẽ phải có các đối sách tương ứng.

Việt Nam không thể ngồi yên để Trung Quốc lắp đặt cố định giàn khoan, cũng không thể manh động để Bắc Kinh có cớ lấn tới. Một phản ứng quyết liệt nhưng có chừng mực là rất cần thiết vào lúc này để không đẩy tình hình vượt quá giới hạn.

Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc trên tất cả các kênh và cấp độ ngoại giao, kể cả ở kênh cao nhất là giữa nhà nước với nhà nước.

Lực lượng cảnh sát biển phải kiên trì bám trụ thực địa, thực hiện các hoạt động chấp pháp một cách kiềm chế, hòa bình nhưng cương quyết, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà ASEAN đã ký với Trung Quốc năm 2002 và Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông.

Việt Nam tiếp tục đưa các tiếng nói phản kháng lên các diễn đàn khu vực và quốc tế nhằm làm cho thế giới hiểu rõ về những hành động sai trái của Trung Quốc. Qua đó, khiến Bắc Kinh phải trải giá về mặt ngoại giao và "sức mạnh mềm" mà họ đã dày công xây dựng từ hàng chục năm qua.

Trong trường hợp cần thiết, Việt Nam có thể nhờ đến sự trung gian hòa giải quốc tế hoặc thậm chí đưa vụ việc lên tòa án quốc tế để tìm kiếm sự ủng hộ chính thức về mặt pháp lý (giống như Philippines đã làm) đối với các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Đức Vũ

Theo Dân trí

5 2357
Chia sẻ bài này trên:
Kết bạn với CONGAI.ZZZ.VN trên facebook
Hãy gửi chia sẻ của bạn tới bài viết này qua địa chỉ mail zzz.vn@gmail.com Bài viết của bạn sẽ được đăng tải trên trang trong thời gian sớm nhất. Thông tin do bạn đọc cung cấp và chịu trách nhiệm về tính xác thực. zzz.vn giữ quyền biên tập và thay tên, địa chỉ nếu cần.
Bài nhiều người quan tâm