(Con gái) Là mẹ, ai cũng muốn con mình được chăm sóc chủ đáo, ăn uống đầy đủ cả về chất và lượng. Đa số các mẹ thường chỉ chú trọng đến việc ép con hoàn thành “chỉ tiêu” thức ăn trong một ngày mà ít chú ý đến tâm sinh lý trẻ liên quan đến việc ăn.
Nếu một ngày, tự nhiên con bạn bỗng nhiên thay đổi thói quen ăn uống như đòi ăn nhiều hơn bình thường hoặc tự nhiên trở nên biếng ăn, thay vì lo quýnh lên và cố ép con trở về với quỹ đạo bạn muốn, hãy theo dõi con thêm và tìm hiểu những kiến thức dưới đây.
Cố ép trẻ ăn món mà chúng không muốn
Các mẹ không bao giờ chịu hiểu là trẻ bỗng nhiên không chịu ăn một vài món ăn mà trước đó chũng thích là một điều bình thường và cố tìm hiểu nguyên nhân, hoặc nhất quyết ép trẻ ăn cho “đủ chất”. Sự thật là đến một độ tuổi nhất định (thường là trong khoảng thời gian từ 2 đến 6 tuổi) quá trình tăng trưởng của trẻ chậm lại, nhu cầu dinh dưỡng của chúng không còn nhiều như trước nữa, đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn của chúng. Do vậy, đôi khi việc tự nhiên chúng kén ăn hơn bình thường, nếu không phải là biểu hiện bệnh lý như các vấn đề về tiêu hóa khiến trẻ kém phát triển về thể chất thì đây có thể là một đặc điểm thích nghi, bảo vệ những đứa trẻ linh hoạt khỏi việc tiêu thụ những chất độc hại. Sau 6 tuổi, chứng kén ăn của trẻ có thể sẽ giảm dần nên các mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề đó
Luôn ép trẻ ăn và phải ăn nhiều
Mẹ nên nhớ rằng, việc duy nhất mà mẹ có trách nhiệm đối với việc ăn uống của một đứa trẻ bình thường là quyết định xem chúng ăn gì, vào thời điểm nào và ở đâu. Đừng có cố kiểm soát tất cả các vấn đề liên quan đến việc ăn của trẻ kiểu như con bắt buộc phải ăn và ăn hết phần thức ăn mẹ đã chuẩn bị. Bạn nên hiểu, trừ khi trẻ gặp các vấn đề về bệnh lý, còn không trẻ sẽ ăn theo sở thích và nhu cầu của chúng, sẽ có ngày chúng ăn nhanh, ngày ăn chậm, ngày ăn ít, ngày ăn nhiều. Ngay chính bản thân cha mẹ cũng vậy thôi. Hiểu được điều này, mẹ sẽ làm giảm bớt các trận chiến về việc ăn uống giữa mẹ và con, đồng thời giúp trẻ ăn tốt hơn, ngon miệng hơn.
Nhất quyết ép trẻ ăn hết khẩu phần
Nhiều bà mẹ vì cố ép con ăn thêm một thìa cháo nhỏ mà khiến con trớ tất tần tật số thức ăn trẻ ăn từ đầu bữa, thậm chí là thức ăn của bữa trước ra ngoài. Trong nhiều gia đình, đôi khi không khí trở nên căng thẳng chỉ vì ngày nào mẹ cũng nhắc đi nhắc lại điệp khúc “thêm một miếng nữa thôi” đối với con và lại quát tháo ầm ĩ khi con nôn trớ ra sạch. Cũng có thể thông cảm cho các bà mẹ khi họ hì hục nấu nướng, những mong con sẽ ăn sạch trơn đĩa thức ăn – khẩu phần mẹ đã cân đong cẩn thận với đầy đủ dinh dưỡng hợp lý, nhưng ăn được đôi ba miếng con đã buông đũa, lắc đầu. Tuy nhiên, các mẹ đừng cố làm căng thẳng thêm vấn đề, vừa khổ cho mẹ, vừa tội cho con mà lại không mang lại hiệu quả. Hãy tôn trọng nhu cầu ăn uống của trẻ, thậm chí đôi khi cần chiều theo sở thích của chúng khi chúng đã no và muốn dừng lại.
Không chú ý đến khẩu vị của con và hình thức món ăn
Không phải chỉ cần nấu một bữa ăn với đủ liều, đủ lượng, đảm bảo cân đối và đủ chất là hoàn hảo cho trẻ. Mẹ cũng cần phải chú ý đến những yếu tố khác như khẩu vị, sở thích của trẻ. Hãy làm sao để trẻ cảm thấy ngon miệng, ngon mắt thì trẻ sẽ ăn ngoan và ăn nhiều hơn.
Mua chuộc hoặc đe dọa trẻ
Đúng là sẽ tốt hơn nếu tạo được tâm lý thoải mãi cho trẻ khi ăn. Nhưng không có nghĩa là cố gắng làm theo ý trẻ bằng mọi cách. Có tới 80% các mẹ, các bà phải dùng tới lời khen, nịnh nọt, đồ chơi hay phần thưởng để đổi lấy việc trẻ ăn thêm một phần thức ăn. Điều này sẽ khiến trẻ ăn như một điều kiện để thỏa mãn những yêu sách của chúng, tạo thói quen không tốt cho trẻ. Theo đó trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh, lấy việc ăn để đánh đổi, vòi vĩnh để người lớn phải làm theo sở thích của mình. Tương tự, cũng không nên vì ép trẻ ăn mà quát tháo, mắng mỏ hay đe dọa trẻ bởi điều đó vô hình chung sẽ tạo áp lực lên tinh thần trẻ, khiến trẻ nghĩ tới bữa ăn giống như một điều kinh khủng mà trẻ không muốn trải qua.