Các cụ nhà ta quan niệm gia đình nào có nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cháu chung sống quây quần trong một nhà thì được coi là nhà có phúc. Gia đình càng đông, phúc càng lớn. Nhưng ở thời hiện đại, nhà càng đông thì càng có nhiều chuyện căng thẳng phát sinh trong cuộc sống.
Hai ông bà sống chung với vợ chồng cậu con trai và hai đứa cháu nội, thêm hai cô con gái kế và út. Cả thảy 8 người sống chung trong một ngôi nhà ngăn nhỏ ra 3 phòng ngủ, 1 nhà vệ sinh, kể ra cũng chưa phải là quá bức bối, bí bách đến nỗi nghẹt thở không chịu đựng nổi! Ấy thế mà vẫn có chuyện.
Chào buổi sáng
Bắt đầu một ngày mới đã xảy ra chuyện. Vì 8 người chung 1 cái nhà vệ sinh nên phải phân bổ “thời gian biểu”: Hai ông bà tuổi cao, khó ngủ, quen dậy sớm, vào năm rưỡi sáng. Nhà vệ sinh “vận hành” từ lúc đó cho đến sáu giờ. Giờ đó cô con gái út phải dậy để chuẩn bị đến giảng đường. Thế là toilet lại “có chủ” cho đến sáu giờ hai mươi. Bấy giờ mới đến lượt vợ chồng con cái nhà cậu cả “tiếp quản”, lục đục người lớn, trẻ con một hồi trong đó đến bảy giờ mười. Lúc đó mới đến lượt cô hai sử dụng để kịp đến công sở. Ngót hai tiếng đồng hồ nhà vệ sinh lúc nào cũng bận rộn, người ra người vào nhịp nhàng như được “lập trình” sẵn.
Bởi được “cài đặt” chính xác như máy tính nên chỉ cần hôm nào trục trặc ở một khâu nào đó là “chương trình” đảo lộn nháo nhào lên. Cô con dâu phải đi công tác sớm chẳng hạn, liền chen ngang vào toilet trong “khung giờ” của cô em út. Thế là cô út sợ muộn giờ học, làu nhà làu nhàu, cô chị dâu cũng nén bực trong bụng. Nào đã hết, cô út lại chiếm chỗ của ông anh trai, ông anh cũng sợ muộn giờ làm, lại phải loay hoay với hai đứa con cho kịp giờ đến lớp mẫu giáo. Thế là trong mấy mét vuông ở góc nhà cứ lanh tanh bành cả lên, tiếng nước chảy, tiếng quát, tiếng trẻ con ỉ eo… làm cho không gian nhà đã chật chội, không khí càng thêm ngột ngạt.
Đến buổi tối
Đến tối cả nhà quần tụ, rồi cơm nước, rồi tắm rửa, rồi giặt giũ… mới sinh ra lắm chuyện. Người đi ra, người đi vào va đập nhau, người này gọi, người kia nói, trẻ con chạy chỗ nọ, nghịch chỗ kia, tiếng nồi niêu, xoong chảo, bát đũa va chạm lanh canh, xủng xoẻng… loạn cào cào châu chấu.
Tám người nếu ăn chung một mâm cùng một giờ còn có lúc eo sèo: Chị nấu canh mặn quá! Con không chấm nước mắm có ớt! Hôm nay lại thịt luộc, cả tuần nay không được ăn trứng! Con khua khoắng vừa thôi, cơm vãi đầy nhà rồi! Anh gắp gì mà rau lòng thòng ra cả bát cà muối thế!…
Hôm nào không đầy đủ cả nhà ăn cùng bữa cơm thì một mâm cơm có khi dọn ra 4 đợt: Ông bà ở nhà nấu trước ăn trước. Cô con gái lớn đi làm về muộn ăn đợt hai. Cả nhà cậu cả đi chơi về dọn mâm đợt ba. Cô con út đi học thêm về lại dọn ra lần nữa. Một con cá chép cắt ra khúc đầu, khúc đuôi và hai khúc giữa, chia ra 4 “mâm”, người này được phần khúc giữa thì người khác phải dùng khúc đuôi. Đĩa đậu xốt cà chua “chia năm sẻ bảy” nguội ngắt. Bát canh chua cá rắc hành, thì là đun đi đun lại cho khỏi tanh, đến “mâm” cuối cùng thì nước canh cạn ráo. Người ăn thấy mất ngon, người phục vụ vừa bực bội vì dọn mâm ra lại dọn mâm vào suốt cả buổi tối, vừa áy náy vì người ăn không được ngon miệng… Thế là cũng khó chịu, cằn nhằn.
Bỏ qua “điệp khúc” sử dụng toilet để tắm rửa buổi tối còn phức tạp hơn “chương trình rửa mặt buổi sáng”, ngay cả tiết mục giải trí là xem ti vi cũng lắm nhiêu khê: Ba phòng ngủ ba tivi, thêm cái ngoài phòng khách là bốn. Thế mà vẫn còn ít! Ông đang xem thời sự thì bà đòi xem phim truyền hình dài tập Hàn Quốc! Ông bỏ ra phòng khách ngồi chưa ấm chỗ thì thằng cháu từ phòng của nhà nó chạy ra, ỉ ôi: “Ông yêu quý mở kênh hoạt hình cho cháu xem Mèo Oggy đi, bố cháu đang xem đá bóng mất rồi!”. Ông dỗ cháu: “Vào phòng các cô mà xem” thì cô con gái út xuất hiện: “Bố xem thời sự xong chưa cho con mượn ti vi xem thời trang xuân hè, chị đang xem dở phim nhiều tập Thái Lan rồi!”…
Sơ sơ mấy “hoạt động định kỳ” trong ngày thôi chứ chưa nói đến các sinh hoạt lặt vặt khác, rồi lối sống, cách nghĩ các thế hệ “vênh” nhau, các “thành phần xã hội” khác nhau… khiến cho cuộc sống chung “tam đại đồng đường” trở nên khó dung hòa! Ngôi nhà chung sao mà chật chội, bức bối!
Chợt nghĩ, cho dù “nhà chật người đông”, mỗi sớm mai thức dậy đón một ngày mới, nhìn thấy cha mẹ và những người thân vẫn hiện diện quanh ta, thấy cuộc sống thật là hạnh phúc - không một ngôi nhà to đẹp nào có thể so sánh, đánh đổi được hạnh phúc giản dị mà cũng vô cùng quý giá ấy.
Theo Bùi Thúy Hạnh
Thanh Niên