Mạng xã hội đang thu hút hàng triệu người dùng tại Việt Nam, trong đó, đa phần là những người trẻ. Ham mê với những giá trị giải trí mạng xã hội mang lại nhưng bạn trẻ không biết rằng có những ẩn hoạ đằng sau cộng đồng ảo.
Bị hack tài khoản, mang tiếng oan
Vụ việc gần đây nhất, một nam sinh ĐH Ngoại thương bị lên án vì có lời lẽ không hay về mẹ, khiến cho chàng trai nhận hàng ngàn lời chỉ trích của dư luận. Tuy nhiên, dường như vụ việc còn có nhiều uẩn khúc.
Nhận xét về vụ việc, một bạn có nickname Phượng Bích bình luận: “Sinh viên đại học không nấu cho mẹ ăn thì thôi lại còn kêu ca. Khổ cho đấng sinh thành mang nặng đẻ đau”.
Nickname Phương Hoàng còn nhận xét gay gắt hơn: “Cử nhân mà ăn nói bất hiếu như vậy. Thất bại của cả một thế hệ, buồn cho một nền giáo dục”.
Thế nhưng lời giải trình vụ việc khiến dư luận “té ngửa” vì lý do đơn giản: Nam sinh này bị hack, dòng trạng thái đó không phải H viết. Từ phía gia đình và nhà trường đều nhận xét rằng "L.T.H (chủ tài khoản facebook trên) là một đứa con ngoan, một sinh viên hiền lành, gương mẫu".
Status gây “bão” dư luận vừa qua thật ra là bị hack
Việc “hack” tài khoản cá nhân để tung ảnh, clip hay những dòng trạng thái “bôi xấu” chủ tài khoản có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Những dòng trạng thái như: I’m Gay (Les), Tôi bị điên,... là cách trêu đùa mà các bạn trẻ thường dùng khi "vô tình" sử dụng được tài khoản mạng xã hội bạn bè.
Có thể kể đến một trường hợp của nam sinh N.C (ĐH Thành Đô), vốn có bề ngoài hơi giống con gái nên thường bị bạn bè trêu chọc là “ẻo lả”. Trò đùa lên đến đỉnh điểm khi một hội bạn trong lớp hack tài khoản facebook của C. rồi liên tiếp tung những dòng trạng thái “tự thú”: I’m Gay, tôi chỉ thích con trai,... cùng vô vàn bình luận ác ý của bạn bè.
Đi xa hơn là những vụ việc “hack” Facebook để tung ảnh giường chiếu, clip nhạy cảm của chủ tài khoản. Trước đây, trên Facebook cũng từng xuất hiện các trường hợp thiếu nữ lên mạng khóc than vì bị hack, tung ảnh nóng của ai không rõ, khiến khổ chủ bị mang tiếng oan.
Hệ lụy đằng sau những “trò đùa quái ác”
Những sự việc trên tưởng như là một trò đùa vô hại nhưng nó còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Trong sự việc xúc phạm và chê “cơm mẹ nấu như cơm lợn” của nam sinh Ngoại thương, tuy sự việc phần nào đã được làm sáng tỏ, H cũng đi học trở lại nhưng “trò đùa” này đã đi quá trớn khi nó xúc phạm đến danh dự của gia đình, ngôi trường mà H đang theo học, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập, cuộc sống chính bản thân H.
H phải hứng chịu búa rìu của dư luận suốt những ngày qua, nam sinh này còn phải giải trình lại sự việc lên BCH Đoàn trường Ngoại thương, giải thích cũng như xin lỗi gia đình.
Trường hợp của N.C, những dòng trạng thái đến tai gia đình C, đối diện những lời mắng mỏ từ gia đình cùng với sự trêu chọc ác ý của bạn bè C đã rơi vào trầm cảm, cả ngày đóng cửa trong phòng và không chịu đi học.
Mặc dù sự việc này đến nay đã dần trôi vào quên lãng nhưng với C – người chịu “đả kích” lớn nhất trong việc này mãi không bao giờ quên được. C giờ đây tránh xa tất cả trang mạng xã hội và sống khép kín hơn.
Tai hại nghiêm trọng trong việc “hack” tung ảnh, clip nóng còn đi xa hơn nữa, khi nó bôi xấu hình tượng, danh dự, nhân phẩm của người trong cuộc. Đôi khi còn phải đối diện với pháp luật về việc: bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của người khác.
Những sự việc trên sẽ là bài học cho những bạn trẻ thiếu suy nghĩ, đem bạn bè của mình ra làm trò đùa. Đây còn là bài học cho những bạn trẻ thiếu chú ý bảo vệ thông tin tài khoản và cả những bạn đang lạm dụng mạng xã hội mà không hề lường hết hậu quả nghiêm trọng mà nó đem lại.
Theo Nguyễn Ngọc
Dân trí