Xuất hiện trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung mặc chiếc đầm hoa bồng bềnh, vấn tóc như công chúa, cất cao giọng hát giữa khán phòng “Bống không là Bống”. Ánh đèn, ánh mắt dường như tất cả chỉ tập trung vào một điểm- cô Bống của Trịnh Công Sơn…
Mây khói hư ảo, bồng bềnh, cả ban nhạc và các ca sĩ chìm đắm trong đêm nhạc Bóng núi gợi nhớ người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn diễn ra tối ngày 11/4 tại Cung Hữu nghị Việt- Xô , Hà Nội.
Mở đầu đêm nhạc, ca sĩ Đức Tuấn xuất hiện trong bộ vest trắng lịch lãm, anh thể hiện ca khúc Mưa Hồng dành tặng khán giả, thay cho lời chào thân ái của ê kíp làm chương trình và các nghệ sĩ.
Ca sĩ Đức Tuấn
Có không ít các chương trình ca nhạc chỉ thể hiện nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bóng núi cũng không ngoại lệ. Tất cả các ca khúc được thể hiện trong đêm nay đều do nghệ sĩ tài danh Trịnh Công Sơn sáng tác. Nhưng yếu tố bất ngờ và độc đáo ở mỗi đêm nhạc sẽ khác nhau. Trong đêm nhạc Bóng núi, xuất hiện một “hiện tượng” nhạc Trịnh mới, đó là cô gái gốc Huế- Ngọc Mai. Trong bộ áo dài trắng thướt tha, dịu dàng, mái tóc dài buông xoã đậm chất con gái sông Hương, Ngọc Mai song ca cùng Đức Tuấn ca khúc Đoá hoa vô thường, và hát đơn ca Đường xa vạn dặm.
Có rất nhiều ca sĩ được sinh ra như chỉ để hát nhạc Trịnh, đặc biệt không thể không nhắc tới Cẩm Vân và Hồng Nhung. Dù xuất hiện trên sân khấu với bộ cánh giản dị, không hề cầu kì, hoa mĩ, nhưng bằng chất giọng tuyệt vời ca sĩ Cẩm Vân đã đưa khán giả lại gần hơn với Trịnh Công Sơn. Không gian như ngưng đọng, thời gian như ngừng trôi, chỉ có những trái tim chạm đến những trái tim, cùng nhau thổn thức, cùng nhau yêu thương.
Ngọc Mai
Một cô gái Hà Nội nhỏ bé, nhưng giọng hát thì chẳng “nhỏ bé” chút nào, đã gắn bó với Trịnh Công Sơn từ rất lâu. Và hôm nay, khi lại có dịp đứng trên sân khấu để thể hiện nhạc Trịnh, cô gái ấy vui vẻ, hóm hỉnh chia sẻ: “nhạc sĩ viết về những cô gái đẹp, như cô Diễm xưa, các cô ấy vừa đẹp, vừa thanh tao, riêng có một số bài hát nhạc sĩ viết về một cô ở Hà Nội thì là không đẹp, tên bài hát cũng không đẹp luôn. Ví dụ như tên như cánh vạc bay nhạc sĩ nói là khi mà ông nhìn thấy một cô gái đi vào trong ngõ, mà Sài Gòn gọi là hẻm đôi vai của cô rất là gầy, khi đi vai của cô nhấp nhô, vai của cô dưới ánh đèn đường như cánh vạc chập chờn đi về nơi không còn nhìn thấy nữa. Cô gái đẹp nên tên của những bài hát ấy cũng đẹp. Riêng bài hát viết cho cô gái không đẹp này tên cũng không được đẹp lắm. Tên gọi là “cá Bống”. Bài hát đầu tiên nhạc sĩ viết cho Hồng Nhung dựa trên âm hưởng của dân ca Bắc Bộ Nắng vàng em đi đâu mà vội, mà vội, nắng vàng, nắng vàng ơi…”.
Lần này xuất hiện trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung mặc chiếc đầm dài, vấn tóc như công chúa, cất cao giọng hát giữa khán phòng. Ánh đèn, ánh mắt dường như tất cả chỉ tập trung vào một điểm- cô Bống. Cô Bống đem tới cho mọi người không khí tươi vui, sôi nổi của ca khúc Bống không là Bống. Đây cũng là bài hát nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết riêng cho Hồng Nhung.
"Bống" Hồng Nhung và nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn
Khi còn sống, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng muốn có nhiều người hát những sáng tác của ông, không câu nệ, không kén chọn. Chắc hẳn ai trong đời cũng một lần yêu, đau vì yêu, buồn vì yêu. Tại sao chúng ta không thể đồng cảm với Trịnh Công Sơn để hát những ca khúc của ông! Ca sĩ Tùng Dương đã nhận mình đồng cảm với Trịnh Công Sơn và sẽ hát thật nhiều những ca khúc của ông.
Tùng Dương góp mặt là một điểm nhấn của chương trình. Chàng “quái” liên tiếp thay hai bộ trang phục để thể hiện phần biểu diễn của mình với các ca khúc Huyền thoại mẹ, Ru ta ngậm ngùi, Phôi pha, Tiến thoái lưỡng nan. Ngồi trên mảnh trăng, được đưa lên không trung, giọng ca của Tùng Dương càng cao, càng sâu. Sau khi hạ cánh an toàn Tùng Dương nhận định “ càng lên cao Dương lại càng thăng.”
Ca sĩ Tùng Dương
Vì đây là đêm nhạc của Trịnh Công Sơn, những người làm chương trình đã mời em gái út của ông, bà Trịnh Vĩnh Trinh đến giao lưu với khán giả. Giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mối liên hệ, nhưng khi hát nhạc của anh mình bà có gặp một chút “rắc rối”, đến nay bà Trịnh Vĩnh Trinh còn lưu giữ những kí ức đẹp.
“Tôi rất hãnh diện được làm em của anh Sơn. Nhưng trong việc hát, tôi rất sợ vì tôi là người Huế, khi phát âm không đúng, người Bắc có lẽ là phát âm đúng nhất. Một kỷ niệm mà tôi luôn nhớ đó là anh Sơn đã dạy cho tôi rất nhiều khi hát những bài hát của anh, phát âm như thế nào cho đúng. Đó là kỷ niệm khi tôi hát nhạc của anh tôi”, Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ.
Chương trình Bóng núi được dàn dựng công phu, thiết kế sân khấu đẹp, mây khói mờ ảo ẩn hiện lờn vờn. Nhưng theo đạo diễn Phạm Hoàng Nam mây thực chất chỉ là phông thôi, còn mặt trước có một màng phủ trên đó có mây khói. Tất cả các nét vẽ cánh chim, cô gái, ngọn lửa…cũng là mây khói. Mây khói là công cụ chính để vẽ lên sân khấu của đêm nhạc Bóng núi. Và đúng là khán giả đã bị thu hút bởi công nghệ tạo tầng lớp chiều sâu, tạo ảo giác.
Đêm nhạc Bóng núi thu hút một lượng khán giả khổng lồ. Điều đó chứng minh tình yêu của khán giả dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không bao giờ nguôi ngoai, chẳng bao giờ thuyên giảm.
Một số hình ảnh trong chương trình “Bóng núi”:
Các nghệ sĩ tham gia chương trình "Bóng núi"
Bài: Trúc Diệp
Ảnh: Ngô Huyền
Theo Dân trí