Lần đầu tiên, “chàng quái” Tùng Dương hát nhạc Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc Bóng núi, kỷ niệm 13 năm ngày mất của ông vào ngày 11/4 tại Hà Nội.
Nói về đêm nhạc này, Tùng Dương chia sẻ, anh sẽ hát những ca khúc như lời tự sự của tình nghệ sỹ.
- Sở trường với giọng hát phiêu linh, trầm bổng dường như nhạc Trịnh không phải là “đất” để Tùng Dương khoe giọng hát kỹ thuật. Anh nghĩ sao khi sẽ hát 7 ca khúc trong đêm nhạc Bóng núi, mà các ca khúc sắp xếp như dòng chảy đời người?
Trong các sáng tác của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là triết lý sâu sắc đối với con người. Ông đã để lại cho đời một kho tàng sáng tác mà ở lứa tuổi nào cũng tìm thấy cho mình bài hát phù hợp. Đó là những bản tình ca, những ca khúc mang triết lý tôn giáo hay những câu chuyện về đời người. Trong đó, mảng ca khúc thiếu nhi cũng rất quan trọng.
Dương đã hát Em là bông hồng nhỏ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từ khi còn rất nhỏ tuổi. Vì thế trong đêm nhạc Bóng núi, Dương muốn lột tả chân dung của Trịnh từ nhỏ cho tới khi ông qua đời. Ở đây, Dương cảm nhận ông đã vẽ lên sắc màu cuộc đời bằng âm nhạc.
Ca sỹ Tùng Dương kể chuyện tình bằng nhạc Trịnh
- Vậy Tùng Dương sẽ lựa chọn những ca khúc và sắp xếp như thế nào để kể câu chuyện tình nghệ sỹ, đồng cảm với tâm hồn nhạc sỹ?
Dương sẽ hát Em là bông hồng nhỏ và Tuổi đời mênh mông với các em thiếu nhi. Đó là tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng của mỗi người khi bước chân vào mái trường để tiếp nhận những bài học quý.
Dương tái hiện cảm xúc của Trịnh Công Sơn khi ông thành chàng trai mang trong mình sự lãng mạn trước tình yêu đôi lứa và có cả sự mất mát, chia lìa. Một chàng trai mang trong mình tình yêu, nỗi đau về quê hương, đất nước, dân tộc. Đó là các ca khúc Tình xa, Dấu chân địa đàng, Huyền thoại mẹ, Ru ta ngậm ngùi…
Đây là những ca khúc về thanh nhạc rất khó thể hiện hơn so với các ca khúc khác của Trịnh Công Sơn. Riêng với Ru ta ngậm ngùi là bài hát thách thức với nhiều ca sỹ vì nhạc sỹ đã sử dụng hai quãng tám, xuống rất trầm, lên rất cao. Dương nghĩ đây là ca khúc hay, nó phù hợp với giọng hát của mình.
- Còn với ca khúc Tiến thoái lưỡng nan sẽ là một cách thể hiện rất riêng của Tùng Dương?
Dương hát ca khúc này cuối cùng trong phần thể hiện của mình. Dương hát cùng với ả đào. Đây là bài hát rất quan trọng trong sự nghiệp của Trịnh Công Sơn.
Nhiều người vẫn nhắc đến Tiến thoái lưỡng nan như sự bế tắc nào đấy trong tâm hồn người nghệ sỹ. Bất cứ người nghệ sỹ nào trong cuộc sống cũng có lúc cảm thấy sự bế tắc và Trịnh đã hiểu rõ điều ấy hơn ai hết. Khi ông gặp những cơn bĩ cực trong cuộc đời và biết sẽ phải đối mặt với nó, để sống, để yêu và vươn lên.
Trịnh Công Sơn ra đi sớm, hôm nay, Tùng Dương muốn xâu chuỗi một số ca khúc của ông phần nào để người nghe cảm nhận về ông theo một cách riêng, dù không thể đầy đủ.
- Không ít người cho rằng Tùng Dương chọn các ca khúc như vậy cũng để giãi bày tình yêu của mình, một sự đồng cảm của tâm hồn nghệ sỹ. Nhất là mới đây anh công bố sẽ lấy vợ, liệu có phải đó là “Tiến thoái lưỡng nan” không?
Dương nghĩ rằng không có liên quan gì đến chuyện tình yêu, chuyện lấy vợ của mình. Ở đây, Dương đang muốn khắc hoạ chân dung Trịnh Công Sơn. Ông là người nhạy cảm, tâm hồn mong manh. Dương thấy những điểm ấy sao mà mình giống ông đến thế. Đó là sự tương đồng, đồng cảm.
Người nghệ sỹ nhạy cảm quá nên rất dễ rung động nên yêu nhiều. Nhưng quan trọng hơn, Dương cảm nhận thấy Trịnh là người nhân văn, ông tìm ra được giá trị của tình yêu, đời sống.
- Nghĩa là việc lựa chọn ca khúc không phải là chuyện tình của một cá nhân nào mà nó là hình tượng của mối tình nghệ sỹ?
Dương muốn chuyển tải sơ lược, đôi chút về mối tình nghệ sỹ của chính nhạc sỹ. Có chăng ai đó đa cảm, nhận thấy trong mối tình ấy có Tùng Dương (cười) .
Tùng Dương muốn hóa thân thành Trịnh Công Sơn qua những ca khúc về nhạc sỹ tài hoa này
- Nhạc Trịnh Công Sơn ai cũng hát được, nhưng người hát hay không nhiều. Tùng Dương có áp lực khi đứng chung sân khấu với những ca sỹ nổi tiếng mà sự nghiệp âm nhạc lại gắn với nhạc Trịnh không?
Dương nghĩ rằng nhạc của Trịnh không phải buộc người ta hát theo một tâm thế mà các nghệ sỹ đàn anh, đàn chị, nghệ sỹ gạo cuội đi trước đã thể hiện. Dương nghĩ, những người này đã xác lập những đỉnh của họ, nhưng với người trẻ như Dương thì lại có những rung động riêng, có cách khai thác riêng mà vẫn thể hiện được những cảm xúc, tâm nguyện của nhạc sỹ. Đây là điều quan trọng để nhạc Trịnh không quá xa xôi mà vẫn gần gũi và người nghe luôn cảm thấy tâm hồn mình ở trong ấy.
- Hát Trịnh phải rất đời mà không cần những kỹ thuật cao siêu, điều này có vẻ không phù hợp với các thể hiện trước đây của Tùng Dương?
Đúng là hát Trịnh không cần quá kỹ thuật nên Tùng Dương sẽ hát một cách hết sức tự nhiên như một người kể chuyện, người đồng cảm với tâm hồn nhạc sỹ. Dương cũng mong muốn khán giả mở lòng đón nhận những cách thể hiện mới mẻ hơn. Đó có thể là cách xử lý mới trong tác phẩm quen thuộc.
Đó cũng là cách của những người trẻ đầy khát khao, khát vọng trước tình yêu. Dù họ có hát những nhạc phẩm buồn nhưng vẫn không bi luỵ vì nỗi buồn ấy rồi chúng ta sẽ vượt qua. Dương muốn thể hiện sự mãnh liệt của tuổi trẻ.
- Vậy trong kho sáng tác đồ sộ của Trịnh, nếu được lựa chọn Tùng Dương thích thể hiện sắc màu nào nhất?
Dương đặc biệt thích những ca khúc mang màu sắc tâm linh, sự triết lý tôn giáo của nhạc Trịnh Công Sơn. Chính vì vậy, Dương muốn tạo ra một sự liên kết những tác phẩm khi mình thể hiện trong đêm nhạc tới đây để tưởng nhớ 13 năm ngày mất của người nhạc sỹ tài hoa.
- Một vài chương trình nhớ Trịnh Công Sơn, Tùng Dương cũng đã tham gia. Vậy sự đón nhận của khá giả, gia đình của nhạc sỹ với cách thể hiện của anh như thế nào?
Khán giả đều có những cảm nhận khác nhau khi cùng một ca khúc nhưng qua sự thể hiện của nhiều ca sỹ. Ngay với chị Trịnh Vĩnh Trinh khi nghe Dương hát nhạc Trịnh cũng rất thích. Dương nghĩ để chinh phục những tai nghe nhạc Trịnh rất kén vốn đã quen với Khánh Ly, Tuấn Ngọc thì cần phải có thời gian để họ quen và thẩm thấu những cách hát mới.
Dương cho rằng khi chúng ta yêu, nâng niu tác phẩm nghệ thuật, hát bằng tất cả cảm xúc thì chắc chắn sẽ thành công.
- Cảm ơn Tùng Dương về cuộc chia sẻ thú vị này.