Nhạc sĩ Phú Quang sáng tác 'Đêm ả đào' để gửi lời xin lỗi đến cha

Từng nghĩ cha – một nhà nho mà mê mệt hát cô đầu là ăn chơi quá nên Phú Quang thương mẹ mà giận sang cha. Sau này, nhạc sĩ dần nhận ra mình đã trách nhầm, ông sang tác ca khúc “Đêm ả đào” như một lời xin lỗi gửi tới đấng sinh thành…

“Cứ độ tháng 11, 12 thì trời phương Nam dẫu đang là nắng chói chang nhưng trong lòng những kẻ tha hương cồn cào lên nỗi nhớ rét mùa đông . Nhớ cái se lạnh cuối thu và gió heo may với ly cà phê đen nghi ngút khói trong quán nhỏ sớm mai. Nhớ căn phòng chật cùng những ly “ cuốc lủi” và những thoáng say với vẻ mặt trầm ngâm của những bạn bè nghệ sĩ nghèo. Nhớ nụ hôn lạnh mùa đông, vòng tay bồi hồi buốt giá dưới một trời mưa bụi của những tháng ngày tình yêu còn nồng ấm. Còn cả ngàn nỗi nhớ cỏn con mà quay quắt như vậy…”, đó là tâm sự của nhạc sĩ Phú Quang trong những ngày ông xa Hà Nội.

Phú Quang

Phú Quang- người nhạc sĩ được mệnh danh là "nhạc sĩ Hà Nội"

Và Em ơi Hà Nội phố được Phú Quang phổ thơ bài Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ năm 1985 trong niềm ân hận khi phải chia xa Hà Nội. Sau  lần ông rời Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống, năm 2008 Phú Quang lại trở ra Hà Nội…

 “Cuộc sống nơi Sài Gòn trần trụi quá. Hà Nội có cái dở là… lơ mơ, nhưng lơ mơ thì cũng có cái hay riêng của nó. Ngày xưa tôi đi Sài Gòn, tôi nhớ Hà Nội lắm, thấy lá cây Hà Nội cũng xanh hơn ở Sài Gòn. Thực ra, những người xa quê đều dành cho nơi gốc gác sự thiên vị: Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa… Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông /Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông/Mảnh trăng mồ côi mùa đông/ Mùa đông năm ấy /Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ /Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân…”, tác giả Em ơi Hà Nội phố trải lòng.

Tuổi thơ của Phú Quang gắn liền với những kỷ niệm về Hà Nội, về những con đường Nguyễn Du, Bờ Hồ, Yên Phụ, Hàng Bài, đường ra công viên Bảy Mẫu… những con đường thân quen hàng ngày ông đi đã đi vào âm nhạc với ca từ vừa thân quen vừa mơ hồ: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…”

Hà Nội còn là nơi chôn dấu tình yêu tuổi trẻ một thời vụng dại mà vì tế nhị giờ ông không muốn nhắc lại. “Tình yêu trong quá khứ có cả hạnh phúc và khổ đau, giờ cũng không nên khơi lại. Nghệ sĩ thì không sao nhưng sợ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của ai đó”, nhạc sĩ chia sẻ.

 Phú Quang

Phú Quang tâm sự, ông sáng tác "Đêm ả đào" như lời xin lỗi dành cho cha mình vì sự hiểu lầm trong quá khứ...

Hà Nội cũng là nơi Phú Quang nhớ quay quắt hình bóng người mẹ hiền tảo tần mỗi sớm hôm. Phú Quang nhớ thời nhỏ, nghịch ngợm bị mẹ đánh đòn, đánh xong thì con khóc, mẹ cũng khóc. Rồi khi lớn lên, Phú Quang vẫn được mẹ ôm mình như thuở nhỏ. Mỗi khi Phú Quang buồn, mẹ lại đọc cho nghe câu thơ.. Tình yêu đối với mẹ là niềm cảm hứng cho nhạc sĩ được mệnh danh là “nhạc sĩ Hà Nội” viết lên nhiều ca khúc về mẹ như: Mẹ, Mẹ ơi… Vì nhớ người mẹ đã khuất, Phú Quang càng thấm thía hơn câu hát trong bài Ngẫu hứng phố của Trần Tiến: “Hà Nội có lần khóc thầm chạy lên thang gác bóng mẹ còn đâu…

Vị nhạc sĩ cũng chia sẻ thật lòng, cũng vì thương người mẹ hiền mà thời trẻ ông đã từng giận cha ghê lắm. Cha của Phú Quang là nhà nho lại rất mê nghe hát cô đầu. Trong quan niệm của nhiều người  trước đây, hát cô đầu vẫn bị cho là hư hỏng, người đi nghe hát cô đầu cũng bị cho là người “ăn chơi”, và Phú Quang từng nghĩ cha mình “ăn chơi quá!”

Nhưng sau này, một phần được những nghệ sĩ bạn của cha đến nhà chơi rồi giảng giải, một phần càng lớn khôn Phú Quang càng hiểu chuyện và suy nghĩ chững chạc hơn, và ông nhận ra rằng cha không “hư” như mình tưởng. Ông thậm chí còn coi nghe hát cô đầu là thú vui văn minh, người đến nghe không được đụng chạm đến người hát, đôi khi chỉ được thưởng trống… Và ca khúc Đêm ả đào được Phú Quang viết ra như lời xin lỗi dành tặng cho người cha thân yêu của mình. Trước Đêm ả đào, Phú Quang cũng từng viết ca khúc tặng cha Trước mùa đông

Ngoài tình cảm nơi chôn rau cắt rốn, Hà Nội trong con mắt người nhạc sĩ còn là những hình ảnh không bao giờ quên lãng: từ cây cầu Long Biên, sông Hồng cuộn đỏ , quán nước nhỏ, chiếc xích lô, phiến đá dưới gốc cây…cho đến ông đồ gìa, bà bán nước răng đen chít khăn mỏ quạ với ấm chè tươi , chú tiểu đồng để tóc 3 chỏm…tiếng tục tắc, tiếng mõ rao đêm…Phú Quang tiết lộ, tất cả những hình ảnh tiêu biểu về Hà Nội này sẽ được tái hiện sinh động trong đêm nhạc Hà Nội ơi…còn mãi một tình yêu diễn ra ngày 10-11/8 tại Cung Văn hóa Việt Xô Hà Nội.

Lê Khanh 

NSND Lê Khanh sẽ dẫn chương trình trong đêm nhạc "Hà Nội ơi...còn mãi một tình yêu"

Đêm nhạc gồm những tình khúc bất hủ của các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau như : Đoàn Chuẩn - Từ Linh; Trịnh Công Sơn , Hồng Đăng, Trọng Đài, Lê Vinh, Hoàng Hiệp, Hoàng Dương, Trần Tiến, Việt Anh, Anh Bằng và Phú Quang …qua giọng hát của Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Mỹ Tâm,Tấn Minh, Trọng Tấn, Saxophone Trần Mạnh Tuấn. Chương trình do NSND Lê Khanh, người từng là niềm cảm hứng để Phú Quang viết Điều giản dị dẫn chương trình.

Đây cũng là đêm nhạc đầu tiên của Phú Quang diễn ra tại Cung Văn hóa Việt Xô mà không phải ở Nhà hát Lớn theo thông lệ. “Ở đây, số lượng khán giả muốn được thưởng thức đêm nhạc sẽ không bị bó hẹp như những lần trước và sân khấu ở Cung phù hợp để tái hiện không gian Hà Nội xưa”, nhạc sĩ Phú Quang- tổng đạo diễn chương trình cho biết.

Phú Quang nói, ông muốn thực hiện một đêm nhạc dung dị, nên thơ về Hà Nội “để trả cho món nợ ra đi”. “Có người bạn nơi xa từng viết thơ cho tôi và hỏi : Có phải vì tình yêu Hà Nội mà bạn ở lại không? Tôi đã trả lời: Bởi tình yêu mà tôi ở lại!”, Phú Quang trải lòng trước đêm nhạc Hà Nội ơi…còn mãi một tình yêu!

 

Nguyễn Hằng

Theo Dantri

 

5 290
Chia sẻ bài này trên:
Kết bạn với CONGAI.ZZZ.VN trên facebook
Hãy gửi chia sẻ của bạn tới bài viết này qua địa chỉ mail zzz.vn@gmail.com Bài viết của bạn sẽ được đăng tải trên trang trong thời gian sớm nhất. Thông tin do bạn đọc cung cấp và chịu trách nhiệm về tính xác thực. zzz.vn giữ quyền biên tập và thay tên, địa chỉ nếu cần.
Bài nhiều người quan tâm