Ca sỹ và bài hát luôn là hai nhân tố có mối quan hệ mật thiết với nhau. Để có được vị trí bền bỉ theo thời gian, những ca khúc “để đời” gắn liền với tên tuổi sẽ là điều mà họ không bao giờ quên trong sự nghiệp ca hát.
Lam Trường
Là một người Việt gốc Hoa và xuất thân cũng từ một cuộc thi âm nhạc dành cho cộng đồng người Hoa tại TPHCM vào năm 1995. Cùng với xu hướng hát lại các ca khúc quốc tế của ca sỹ trẻ Việt
Có thể nói, năm 1998 mới thật sự là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp ca hát của nam ca sỹ gốc Hoa này khi anh bén duyên cùng ca khúc Tình thôi xót xa của nhạc sỹ Bảo Chấn. Từ khi mới xuất hiện cho đến khi trở thành một hiện tượng, ca khúc này trong thời điểm đó đã liên tục có mặt trên màn ảnh truyền hình và cả các chương trình phát thanh radio. Cũng trong khoảng thời gian sau đó, ngoài ca khúc đình đám Tình thôi xót xa, nhiều bài hát gắn liền với tiếng hát của Lam Trường đã xuất hiện không mệt mỏi trên bảng xếp hạng Top Ten Làn Sóng Xanh.
Sau hiệu ứng quá mạnh mẽ của Tình thôi xót xa mang lại, sự nghiệp âm nhạc của Lam Trường tiếp tục thăng hoa cùng với rất nhiều ca khúc hit khác như: Tôi ngàn năm đợi, Tình phai, Mưa phi trường, Chút tình thơ ngây, Cho bạn cho tôi, Kathy Kathy… Dù đến nay đã hơn một thập kỷ nhưng những ca khúc đó vẫn luôn mãi là những ký ức không bao giờ phai nhạt đối với cả Lam Trường và những người yêu mến anh.
Phương Thanh
Từ đầu những năm 90, mặc dù chất giọng không phải là xuất sắc và cá tính cũng chẳng phù hợp với việc trở thành một nữ ca sỹ theo cách nghĩ của số đông khán giả lúc bấy giờ, nhưng theo định hướng của mẹ, Phương Thanh vẫn phải theo đuổi con đường ca hát. Ban đầu, chị khởi nghiệp ca hát tại câu lạc bộ ca sỹ trẻ của Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM và tham gia nhóm nhạc Sao đêm nhưng vẫn chưa gặt hái được nhiều thành công. Năm 1994, cơ hội thật sự đến khi Phương Thanh được hát ca khúc Xa rồi mùa đôngcủa nhạc sỹ Nguyễn
Bước sang năm 1997, một bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời chị Chanh khi bài hát Giã từ dĩ vãng ra đời cùng với bộ phim truyền hình dài tập cùng tên lên sóng. Cả bộ phim và bài hát đều tạo nên một hiện tượng mà những người sản xuất chưa từng nghĩ đến trước đó. Mỗi ngày, ca khúc lại cứ đều đặn vang lên cùng với bộ phim khi được phát sóng trên truyền hình đã giúp cho tiếng hát của chị Chanh ngấm dần vào lòng người nghe và Phương Thanh trở thành một cái tên đình đám kể từ đó.
Sau Giã từ dĩ vãng, Phương Thanh tiếp tục đỉnh cao của mình với một loạt các ca khúc nối tiếp nhau có mặt trong cùng một thời điểm. Thậm chí, các ca khúc do chính chị trình bày đã trở thành đối thủ của nhau trên các bảng xếp hạng âm nhạc trong suốt nhiều tuần. Có thể điểm qua một số bài hit như:Trống vắng, Lang thang, Một thời đã xa, Tình xa khuất, Ta chẳng còn ai, Tình 2000, Khi giấc mơ về, Vì em yêu anh… Cho đến bây giờ, nhắc đến Phương Thanh, khán giả chắc chắn sẽ nhớ đến chị như một trong những nữ ca sỹ “giàu nhất” khi sỡ hữu khối tài sản khổng lồ là các ca khúc “để đời” trong sự nghiệp ca hát của mình.
Cẩm Ly
Đã trải qua đúng 20 năm ca hát, nhìn lại chặng đường của nữ ca sỹ Cẩm Ly, những ai đã và đang yêu mến, dõi theo chị trong suốt quãng đường 20 năm ấy sẽ không khỏi tự hào khi thống kê lại con số bài hát mà nữ ca sỹ đa dòng nhạc này đã thể hiện. Bước ra từ giải nhất của cuộc thi song ca tại nhà hát Hòa Bình, TPHCM tổ chức, đến nay tên tuổi Cẩm Ly đã gắn liền với rất nhiều bài hit.
Tuy vậy, cuộc hội ngộ giữa hai tên tuổi Cẩm Ly và Đan Trường có lẽ sẽ là dấu son khó có thể quên trong chặng đường 20 năm ca hát của Cẩm Ly. Cùng với ca khúc Nếu phôi pha ngày mai, Cẩm Ly trở thành một trong những nữ ca sỹ ăn khách lúc bấy giờ. Tiếp nối thời điềm này, Cẩm Ly đã ghi đậm dấu ấn riêng của mình bằng các album solo với hàng loạt các ca khúc hit được người hâm mộ đón nhận như: Người về cuối phố, Bờ bến lạ, Tình lẻ bóng,Phố hoa…
Những năm về sau, các ca khúc gắn liền với tên tuổi của Cẩm Ly cũng thay đổi theo sự chuyển hướng trong dòng nhạc của chị. Khán giả bắt đầu thấy Cẩm Ly ngọt ngào hơn với những bài hát trữ tình, dân ca quê hương. Không biết từ lúc nào, một Cẩm Ly nhạc trẻ của những ngày đầu đã dần như được thay thế bởi một Cẩm Ly trữ tình dân ca trong suy nghĩ của nhiều người. Nhắc đến Cẩm Ly, người ta lại nghĩ ngay đến Nhớ mẹ lý mồ côi, Vọng cổ buồn, Tiếng thạch sùng… Và đó sẽ mãi là những ca khúc khắc họa rõ nhất theo từng chặng đường mà tiếng hát Cẩm Ly đã dành tặng cho khán giả trong suốt những năm qua.
Đan Trường
Vốn xuất thân từ gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng với lòng đam mê ca hát từ nhỏ, Đan Trường đã mạnh dạn tham gia một cuộc thi hát ở nhà văn hóa quận 10, TPHCM và đạt giải ba. Giải thưởng chính là sự khích lệ giúp Đan Trường củng cố thêm niềm tin vào con đường ca hát của mình. Đến năm 1997, được sự dìu dắt của ông bầu Hoàng Tuấn, tên tuổi của Đan Trường bắt đầu được nhiều người biết đến.
Không như các ca sỹ khác, Đan Trường lại trở thành một hiện tượng khi gắn liền với ca khúc nhạc Hoa lời Việt mang tên Kiếp ve sầu. Với một ngoại hình tốt cùng một giọng hát khá ổn, bước đầu Đan Trường đã ghi điểm trong lòng khán giả và dần dần những năm sau đó, anh đã đến gần hơn và chiếm trọn tình cảm số đông người hâm mộ bằng nhiều ca khúc hit như: Bước chân lẻ loi, Đi về nơi xa, Mưa trên cuộc tình, Chờ trên tháng năm, Tình khúc vàng,…
Khoảng thời gian sau này, Đan Trường cũng mở rộng dòng nhạc của mình với các ca khúc ca ngợi về quê hương, đất nước. Những ai từng là fan của anh sẽ không thể không nhớ đến Dòng máu Lạc Hồng hay Bản hùng ca chim lạc… cùng với đó là những album mang âm hưởng dân ca trữ tình cũng được anh thử nghiệm và nhận được tình cảm từ khán giả như: Nội tôi, Thương thầm, Anh Ba Khía… Với lợi thế có được lực lượng người hâm mộ đông đảo trên cả nước, trong suốt chặng đường ca hát của mình, các ca khúc của anh cũng liên tiếp được fans ủng hộ và bình chọn trong các bảng xếp hạng hoặc giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ.
Cao Trí Hòa
Theo Dantri