Bánh mì truyền thống của Đức được nước này coi như một phần di sản văn hóa cần bảo vệ. Trước sự “xâm lấn” của bánh mì giá rẻ sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp, hàng ngàn lò sản xuất bánh mì truyền thống của Đức đã phải đóng cửa.
Nếu hỏi bất cứ người Đức xa quê hương nào về món ăn mà họ nhớ nhất, nhiều khả năng họ sẽ nói nhớ bánh mì Đức nhất. Tuy vậy, bánh mì Đức ở đây không phải là bánh mì vẫn bán rất nhiều ở các siêu thị.
Thứ bánh được coi là “quốc hồn quốc túy” của ẩm thực Đức phải là bánh mì truyền thống do các “nghệ nhân làm bánh mì” sản xuất. Giá bánh mì loại này khá đắt, không thể cạnh tranh với bánh mì sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, nên ngày càng hiếm thấy trên thị trường và những người làm bánh mì Đức theo phương pháp cổ truyền cũng vắng bóng dần.
Yếu thế trong cuộc cạnh tranh khiến 300-500 hiệu bánh mì cổ truyền ở Đức phải đóng cửa mỗi năm. Hiện nay, những người làm bánh mì truyền thống ở Đức đang tìm cách để đưa giá trị văn hóa của món bánh này lên một tầm cao mới, để nó trở thành một biểu tượng văn hóa quốc gia, nhờ thế, việc bảo tồn phương pháp làm bánh riêng có ở Đức cũng sẽ được thực hiện tốt hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Thợ làm bánh mì Đức - ông Peter Becker chia sẻ: “Không có đất nước nào trên thế giới này có nhiều loại bánh mì đa dạng như nước Đức”.
Mức độ đa dạng của bánh mì Đức có thể khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi con số này lên tới hơn 3.000 loại bánh khác nhau. Các thợ sản xuất bánh mì truyền thống đã được yêu cầu viết ra công thức chế biến bánh gia truyền của họ để tổng hợp thành hồ sơ đệ trình, kết quả thu về đã khiến người ta phải kinh ngạc.
Việc bánh mì Đức có thể trở thành di sản văn hóa phi vật thể sẽ giúp gia tăng sự tự hào trong những người nắm giữ công thức làm bánh mì truyền thống. Ngoài ra, người dân Đức có thể sẽ quan tâm hơn tới bánh mì truyền thống.
Cuối năm 2013, Đức đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến về việc sẽ lựa chọn những di sản nào để đệ trình lên UNESCO. Khi kết thúc cuộc trưng cầu, có tới 128 hạng mục được đề xuất bảo tồn.
Bên cạnh bánh mì truyền thống vốn nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả, người Đức còn muốn bảo tồn nhiều nét văn hóa đặc biệt riêng có, chẳng hạn như liệu pháp cổ truyền giúp chữa lành vết thương bằng vi khuẩn, nghệ thuật kể chuyện truyền khẩu dân gian, hay “Luật nấu bia” đã có từ hơn 500 năm nay quy định về những nguyên liệu được phép sử dụng khi nấu bia Đức để đảm bảo mức độ tinh khiết và chất lượng của bia…
Theo Bích Ngọc
Dân trí