Đời Tùng chưa bao giờ lên một chuyến tàu lâu đến thế, lâu hơn cả những cuộc lưu lạc ở xứ người. Mười năm có lẻ, lần đầu tiên anh về quê ăn Tết kể từ ngày đi lao động nước ngoài.
Tàu vừa rời ga, kẻ hồi hương đã thấy tim mình xốn xang như tiếng tàu khuya gõ những“xình xịch, xình xịch” vào đêm thanh vắng. Đất nước đổi thay nhiều nhưng chuyến tàu Bắc
Tùng khẽ giật mình khi tiếng người ngồi đối diện kéo anh ra khỏi bóng đêm ngoài kia. Anh nhìn kỹ gương mặt người đàn bà luống tuổi, lòng lấn cấn câu hỏi của chị: “Tôi với chú đã gặp nhau ở đâu mà trông quen quá?”. Anh cũng thấy quen quá chừng mà chịu không nhớ nổi chị là ai. Hỏi han một hồi mới biết hai người cùng quê, nhắc nhở một hồi mới nhớ thằng em của chị là bạn nối khố với mình.
Tùng thấy bóng thời gian đổ dài, mười mấy năm không gặp, chị gái thằng Hiến ngày xưa còn mặc áo vá, tóc ướp hương bồ kết giờ son phấn đẫy đà, xài nước hoa ngoại. Anh cũng khác xưa nhiều, béo trắng lên, dáng phong trần nhưng đã gột hết khắc khổ của những ngày chăn trâu cắt cỏ, bùn lấm lem tận mặt. Hai chị em cứ râm ran kể chuyện xưa, chuyện nay, không biết lòng đang mừng hay tủi.
Kỉ niệm ùa về, Tùng không sao ngăn lại. Anh nhớ quay quắt con đê làng mùa hè cỏ xanh um, xuyến chi mọc hoang hoải, mùa đông xơ xác trảng gió heo may. Nhà anh và nhà Hiến cách nhau một triền đê. Tết về, dân làng lên đê dựng cây nêu cao vút, lúc nhỏ hai đứa rủ nhau ra đấy ngửa cổ nhìn cờ bay phấp phới ngọn nêu. Tuổi mười tám đôi mươi, không ngày nào Tùng không đến nhà bạn, con đê làng ghi dấu từng bước chân háo hức, từng nhịp tim lỡ bồi hồi. Anh si mê cô em út của Hiến, cứ kiếm cớ bâng quơ đến tìm. Thương thiệt lâu mà chẳng dám nói, anh còn mãi ngập ngừng, nàng đã vội đi lấy chồng. Mối tình đầu như mảnh gương vỡ găm vào tim, nhưng lúc này đây anh thấy vui hơn buồn, nếu theo anh, nàng sẽ chịu nhiều cay đắng đâu được sống trong nhung lụa như bây giờ.
Đứa trẻ ngồi cùng toa tình cờ nghe câu chuyện tương phùng, thấy Tùng nhắc đến thời gian làm việc ở Hàn thì mắt tròn xoe, sáng rực. Em đợi hai người dứt hẳn mới thỏ thẻ hỏi “Bác ơi, Hàn Quốc xa lắm phải không, bố cháu sang hai năm rồi vẫn chưa kiếm đủ tiền về”.
Mẹ em cũng hồi hộp: “Bên đó làm ăn vất vả không ạ, mùa đông chắc lạnh quá chịu không thấu”. Anh trấn an hai mẹ con rằng xứ lạnh đấy rất tiến bộ, điều kiện làm việc tốt hơn mình. Đứa trẻ khẽ mỉm cười nhưng mắt vẫn dõi theo xa xăm ngoài khung cửa. Em thấy gì bên kia bóng tối, là mộng ước chu du xứ lạ hay cảnh đoàn tụ sum vầy. Ánh lửa trong mắt em tắt hẳn, đã 24 tháng Chạp, em nghĩ về một cái Tết không có cha ở bên.
Tùng cũng nghĩ đến những cái Tết không ở bên con mình. Lúc anh đi, con gái mới trạc mười ba, mười bốn. Cái tuổi đã biết chạnh lòng vì những chia ly không hẹn trước, chắc nó không tưởng tượng nổi cuộc chia ly ấy kéo dài hơn mười năm. Ở đất khách, nhiều đêm anh thức trắng vì nhớ mái tóc nó ngắn cụt lủn, cháy nắng, chân đất đen nhẻm, nó thường nhảy chân sáo theo ba, miệng ca hát líu lo. Qua Hàn được một năm, vì khủng hoảng kinh tế, Tùng tìm đường chạy sang Mỹ. Sau thời gian dài khốn đốn, lúc liên lạc lại với gia đình mới nghe mẹ nức nở “người ta đồn mày đã bỏ mạng bên đấy, vợ mày đi lấy chồng khác rồi, may mà mẹ giữ được con bé”. Niềm tin rạn vỡ, anh thấy đường về xa tít tắp vì gánh nặng cơm áo và nỗi oán giận người phụ bạc. Anh sợ đặt chân lên thềm nhà cũ lại xót xa nhớ những cái Tết nghèo khó, vợ chồng ngồi cạnh nhau trông nồi bánh chưng. Tết năm nay, anh không lần lữa nữa. Ra Giêng con gái lấy chồng, anh về để tiễn nó đi đoạn đường cuối cùng thời thiếu nữ. Nghĩ đến đây nước mắt anh cay xè, thời thiếu nữ của nó có gì ngoài những món tiền trống rỗng, những váy áo lòe loẹt anh gửi về hàng tháng, ngoài giọng nói cay đắng và bóng dáng nhạt nhòa của ba nó qua màn hình máy tính, điện thoại?
Trời tảng sáng, trong làn sương mỏng là cánh đồng nối cánh đồng, xanh tít tắp, cồn cát nối cồn cát, trắng mênh mông. Quê nhà đang ở rất gần. Anh nhắm mắt lại, thấy hiện lên con đê làng với cây nêu cao vút, thấy tiếng con gái dịu dàng “ba ơi về nhanh nhé, Tết này ba con mình cùng thắp lửa trông nồi bánh chưng...”.
Theo Bình Tâm
Dân trí