Không ai có thể ngờ rằng những cô gái mạnh mẽ trên sân cỏ, những nhà vô địch đã vươn ra tầm châu lục, giành được nhiều vinh quang cho Tổ quốc lại có cuộc sống sau sân cỏ còn rất nhiều khó khăn. Câu chuyện thật mà như đùa đã khiến cho người hâm mộ không khỏi giật mình suy ngẫm.
Như chúng ta đã biết, những cô gái của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đem lại nhiều vinh quang cho đất nước trong khu vực và trên thế giới. Các cô gái của chúng ta đã vô địch SEA Games 5 lần, 2 lần vô địch Đông Nam Á, đẳng cấp châu Á, đang đứng top 28 thế giới và có cơ hội tham gia World cup 2015. Trong khi đó, sự đãi ngộ dành cho các cô gái đó lại chỉ bằng một phần nhỏ của đội tuyển nam, chật vật với cuộc sống mưu sinh sau khi rời sân cỏ, người bán nước mía, người bán bánh mỳ,...
Những cô gái vàng của thể thao Việt Nam
Gần đây, theo nhiều nguồn tin trong nước đã tiết lộ gây ngỡ ngàng về thu nhập của các tuyển thủ nữa Việt Nam. Thu nhập của nữ cầu thủ chẳng hề tương xứng với những tấm huy chương vàng mà họ mà về cho thể thao Việt Nam. Một cầu thủ nữ trung bình chỉ nhận được lương khoảng 1-2 triệu đồng/tháng ( chỉ vài trăm nếu là 1-2 năm về trước). Chính vì vậy mà sau khi treo giầy, các cô gái của chúng ta phải làm đủ mọi ngành nghề để có thể tồn tại trước sự phát triển ngày càng chóng mặt của xã hội. Nhiều người theo đuổi nghiệp huấn luyện viên, số khác kinh doanh hoặc “gõ đầu trẻ” và không ít người long đong lận đận kiếm miếng cơm manh áo, tìm kế sinh nhai.
Trong 6 đội bóng nữ trong nước thì Than khoáng sản Việt Nam có mức thu nhập trung bình cao nhất là 5 triệu đồng mỗi tháng cho cầu thủ trụ cột. Tiếp đó là các cầu thủ Hà Nội, TP HCM được xếp ở mức khá với mức thu nhập trung bình trên dưới 2 triệu đồng /tháng. Cầu thủ Hà Nam, Thái Nguyên nhận được số tiền có khi chỉ vài trăm nghìn. Hay Kiều Trinh – quả bóng vàng nữ chỉ nhận được mức mức lương bằng 1/10 Công Vinh. So với các nam cầu thủ - lương cao, điều kiện sống và điều kiện luyện tập đầy đủ - thì các cô gái của chúng ta quần quật cả thời son trẻ, gửi môi son má hồng cho nắng gió, cho bụi mưa thì số tiền kiếm được lại ít đến thảm thương.
Những cầu thủ nổi tiếng may mắn hơn, chọn việc có phần dễ dàng hơn: Bùi Thị Hiền Lương – cựu đội trưởng tuyển Việt Nam trang bị cho mình tâm bằng đại học, làm viên chức ở Tổng cục thể dục thể thao; Bích Hạnh, Thúy Nga làm việc ở VFF. Cả 3 cũng kiêm luôn vai trò trợ lý cho HLV tuyển nữ Việt Nam.
Cựu tiền đạo Bùi Tuyết Mai của đội tuyển Hà Nội từng đi bán mỹ phẩm, mở quán karaoke ở Hà Nội, sau đó giữ vai trò là một biên tập viên thể thao.
Cựu tiền vệ Quách Thanh Mai – cô gái vô địch SEA Games 22 trên sân nhà từng phụ giúp gia đình sửa chữa xe máy sau khi giải nghệ.
Lưu Ngọc Mai, Kim Hồng của đội tuyển TP HCM tiếp tục tình yêu bóng đá của mình với công việc trợ lý HLV trưởng đội nữ TP HCM, trước đó, Kim Hồng phải đi bán bánh mỳ dạo.
Những câu chuyện về cuộc sống càng khó khăn của các cô gái sân cỏ Việt Nam thì những vinh quang mà họ đem lại cho Tổ quốc lại càng đáng khâm phục đến xót xa. Hy vọng thế hệ các tuyển thủ nữ Việt Nam mai sau sẽ không còn gặp những cảnh khó khăn này.
5 286