Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, quan điểm chỉ bảo trì, nâng cấp, tăng khả năng giao thông chứ không dỡ bỏ hay xây mới cầu Long Biên đã được lãnh đạo thành phố và ngành giao thông đồng tình.
“Việc đầu tư xây mới một cây cầu không khó, nhưng với cầu Long Biên thì chỉ việc sửa chữa, nâng cấp cũng vô cùng khó khăn bởi cây cầu mang tính bảo tồn”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.
Cầu Long Biên gắn bó với lịch sử của Hà Nội (ảnh tư liệu)
Ông Tân cho biết, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với thành phố Hà Nội, Sở GTVT đã đưa ra kiến nghị chỉ nên bảo trì, nâng cấp và tăng khả năng giao thông cho cây cầu. Ý kiến đó đã được hai bên đồng tình.
Nói về 3 phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I có liên quan đến cầu Long Biên, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, việc di dời hay cải tạo xây mới cầu không phải là câu chuyện về ý thích của một ai đó. Các phương án đưa ra phải đảm bảo tính khoa học, hạn chế tối đa việc phải giải phóng mặt bằng, di dân, đồng thời cũng phải đảm bảo yếu tố ngoại giao.
Trước đó, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án vị trí cầu vượt sống Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I. Theo đó, phương án 1 là di dời 9 nhịp đầu cầu Hà Nội về phía thượng lưu cách tim cầu cũ 85m để bảo tồn. Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại.
Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại với kết cấu nhịp dàn thép và hình dáng tương tự với thiết kế ban đầu của cầu Long Biên. Tức là cầu cũ sẽ được bảo tồn sống theo quan điểm bảo tồn và phát triển. Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
Các phương án trên của Bộ GTVT cũng nhận được nhiều ý kiến phản biện của kiến trúc sư. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, cầu Long Biên gắn bó với lịch sử Hà Nội và khi đã là một di tích lịch sử văn hóa cần được bảo vệ thì cả 3 phương án Bộ GTVT đưa ra mới đây đều chưa thỏa đáng.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng cần kết hợp phương án 1 và 2 - cầu cũ làm lại như cũ và giảm tải trọng, chỉ để chạy tuyến tàu du lịch, đường sắt đô thị tuyến số 1, phục vụ người đi bộ, xe thô sơ kết hợp các lối đi ra bãi giữa sông Hồng phục vụ du lịch. Cầu mới xây cách tim cầu cũ 85m về phía thượng lưu, có đường sắt đôi chạy ở giữa, làn đường cho ô tô xe máy hai bên. Cầu mới đáp ứng nhu cầu giao thông cho hàng trăm năm tới, kết cấu hiện đại, đáp ứng các kịch bản phát triển giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy.
Theo Quang Phong
Dân trí