Sữa mẹ là thức ăn đầu tiên và duy nhất đối với trẻ sơ sinh. Khi trẻ đã lớn hơn, lượng sữa mẹ ngày càng chiếm một tỉ lệ ít hơn so với lượng thức ăn bé dung nạp vào cơ thể, và dần dần bé cần phải cai hẳn sữa mẹ. Nhưng việc cai sữa mẹ lại là một việc không hề đơn giản. Cai sữa là một quá trình, nếu người mẹ không giúp con thích nghi được với việc cai sữa thì rất có thể trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương và khó chấp nhận.
Để việc cai sữa không quá khó khăn và không ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của con, khi cai sữa các mẹ cần lưu ý đến những vấn đề sau:
1. Thời điểm cai sữa
Thời điểm thích hợp để cai sữa cho trẻ không hoàn toàn giống nhau. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng sữa của mẹ, khả năng ăn uống của trẻ, đặc thù công việc của mẹ… Tuy nhiên, nếu trẻ không dị ứng với sữa mẹ, mẹ không có bệnh gì ảnh hưởng đến chất lượng sữa thì không nên cai sữa cho trẻ quá sớm hoặc quá muộn (trước 6 tháng, và sau 2 năm). Do vậy các mẹ hãy cân nhắc để chọn được thời điểm thích hợp nhất cai sữa cho con.
2. Việc cai sữa là một quá trình
Nếu bạn không có phương pháp cai sữa cho con hợp lý, hoặc là bạn sẽ khó cai, hoặc là bé sẽ bị ảnh hưởng xấu. Mẹ không nên đột ngột dừng cho con bú mà nên tiến hành từng bước một. Tốt nhất, các mẹ nên giảm dần số lượng lần cho con bú. Cách làm này sẽ giúp mẹ không bị cương sữa và bé cũng không bị sốc dẫn đến quấy khóc nhiều.
3. Tránh cai sữa vào thời điểm thời tiết xấu hoặc trẻ ốm
Khi thời tiết xấu (quá oi nóng, quá lạnh), ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi, khó chịu, không muốn ăn uống gì và dễ bị ốm cũng như thời điểm trẻ ốm, sốt thì cũng là thời điểm không tốt để cai sữa cho con. Sự thay đổi một thói quen ăn uống và sự khó chịu vì phải “tạm biệt” “sở thích đặc biệt” là mút ti mẹ lúc này dễ làm trẻ ốm. Nếu muốn cai sữa, bạn hãy đợi thời tiết dễ chịu trở lại, trẻ qua được thời kỳ mệt mỏi hãy tiến hành, sẽ đỡ tội nghiệp cho trẻ, mà tỉ lệ thành công cũng cao hơn.
4. Để mẹ không bị ốm vì cương sữa
Khi cai sữa cho con, nhiều bà mẹ chưa có kinh nghiệm dễ rơi vào trạng thái khó chịu, thậm chí là phát ốm sốt vì tình trạng cương sữa nếu không biết cách xử lý. Để hạn chế điều này, mẹ nên giảm dần chế độ bú của trẻ để lượng sữa về ít dần, trong thời gian cai sữa cho con, nếu thấy ngực bị đau và cương thì mẹ có thể dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm, đặt vào ngực để ngực mềm dần rồi vắt sữa ra hoặc hút cho thông sữa. Dần dần, sữa sẽ không về nữa.