Anh không nghĩ đến đám cưới. Chị cũng vậy. Hai người đều đã qua một lần đò với những vết thương sâu, nhưng đó không phải là lý do khiến họ né tránh hôn nhân. Đơn giản là cả hai đều đã quen cuộc sống tự do sau đổ vỡ.
Tự do, không ai kiểm soát ví tiền của anh, ngay cả số tiền phải nộp cho vợ sau ly hôn để vợ nuôi con cũng do anh quyết định. Không ai dám can thiệp tại sao anh không làm thế này mà làm thế kia; không ai trách móc rằng anh chỉ thích làm theo ý mình mà không biết quan tâm tới người khác; đang làm việc mà cao hứng muốn bay nhảy thì không cần phải phân bua với ai, du lịch đến nơi anh thích thú tận hưởng chứ không phải kết hợp sao cho có lợi cho sức khỏe của người này người kia… thoải mái đưa lên Facebook những tấm ảnh đáng khoe với bạn bè mà không sợ hiểu lầm và nước mắt chì chiết…
Tự do với chị là không bị căn vặn, không còn phải ghi tỉ mỉ thời gian biểu để lỡ bị truy hỏi thì phải khai rõ ra được giờ đó phút đó giây đó mình đang ở đâu? Với ai? Làm gì? Có ai làm chứng… Là được nấu và ăn món mình thích chứ không phải là những món vì bổn phận. Là được vui vẻ cụng ly trong những cuộc liên hoan mà không phải nhai kẹo bạc hà suốt trên đường về nhà để che lấp mùi rượu, dù chỉ là rượu ngọt. Là được tự ý mua món nữ trang mình thích…
Vậy nên điều anh e ngại là chị đòi một đám cưới đã không xảy ra. Vậy nên anh không có ý định chia tay chị như đã từng với người trước đây nhiều lần tỏ ý muốn một cuộc ra mắt danh chính ngôn thuận.
Chị cũng vậy. Gặp nhau ở khách sạn, rồi tạm biệt ai về nhà nấy, thấy đời nhẹ nhàng làm sao. Chị tính trước rồi, với phụ nữ thì không dễ như đàn ông, nhưng mà cứ hãy tận hưởng, rồi sau này sẽ xin một đứa con nuôi hoặc đón một đứa cháu về ở cùng, kế hoạch cho cuộc đời như vậy kể ra cũng không tệ.
Không có ý định chia tay và cũng không có ý định cưới, chỉ là thói quen, nên anh giật mình trước cái đau nhói trong tim khi nhìn thấy chị bên cạnh người đàn ông khác. Đến khi biết đó là anh ruột của chị từ nước ngoài về thăm nhà, anh vẫn không quên được cảm giác đó. Là mình yêu rồi sao? Anh tự hỏi.
Chị cũng vậy, tiệc tất niên nhà người bạn, có người hỏi: “Chừng nào hai người cho thiên hạ uống rượu đây?”, chị cười nhẹ mà không giấu được vẻ bất cần kiêu hãnh. Rồi khi anh chếnh choáng và một người phụ nữ pha cho anh ly nước chanh giã rượu, chị bỗng… Lẽ ra người pha ly nước chanh đó là mình mới phải. Chị cười khẩy với chính mình. Đàn bà, chính tên mi là nhẹ dạ, ai đã nói vậy nhỉ? Có lẽ không khí quây quần của nhà người ta khiến mình yếu lòng trong phút giây thôi.
Thường thì khi chia tay từ khách sạn, anh chị không gọi điện thoại cho nhau, như đã đủ no nê cho tới lần gặp tới. Nhưng cuộc gặp lần này, lặng lẽ nằm bên nhau, chị lấy cái nhíp tỉa lông mày của mình để nhổ tóc sâu cho anh. Còn anh thì xoa lưng cho chị. Chuẩn bị trả phòng, anh hỏi: “Tết này em đi đâu?”, chị trả lời: “Mũi Né. Còn anh?”. “Có ba ngày Tết thì ba thằng bạn đã chuẩn bị sẵn ba cuộc nhậu ở Nha Trang, Đà Lạt và Vũng Tàu”. Từ quầy lễ tân đi ra cổng, anh lại hỏi: “Em chuẩn bị Tết tới đâu rồi?”. Chị nói: “Tết bây giờ cũng như ngày thường thôi mà”.
Nhưng, cả hai đều biết nó không giống thường ngày. Những cơn gió cuối năm thổi về mang theo rất nhiều hương vị, có nỗi buồn, có niềm vui và luôn là khao khát một chia sẻ thẳm sâu. Không khí cuối năm không có chỗ cho những thoáng qua.
Chị đi chợ mua sắm vài thứ. Ngang qua gian hàng áo quần nam, chị bỗng ngừng lại. Cái áo này, cái quần này, và cái cà vạt này… và đôi giày nữa. Trang phục đàn ông bây giờ cũng quá nhiều kiểu dáng, vậy nên nếu không biết cách thì sẽ dễ sa vào chải chuốt. Nếu được chị chăm sóc, anh sẽ đẹp hơn và nam tính hơn. Chị đỏ mặt với ý nghĩ của mình. Rồi chị quyết định mua cái áo.
Chỉ là một cái áo sơ mi thôi mà, quà Tết như vậy là quá đơn giản, có gì đâu.
Nhưng, nó làm anh xúc động kinh khủng. Từ lâu rồi tự anh mua sắm cho mình. Giữa những hộp rượu và bánh mứt do bạn hàng và nhân viên đem tới, cái áo chị tặng sáng lên như một đốm lửa xua bóng quá khứ của cả hai lùi lại cùng năm cũ.
Anh choàng vai chị: “Mình ăn Tết ở nhà em nhé”.
Theo PNO