Bằng tài năng, đam mê và cả may mắn, người trẻ Việt hoàn toàn có thể có những sản phẩm phổ biến rộng rãi công chúng trong nước cũng như toàn cầu. Flappy Bird là một ví dụ.
Ống nước hay ống tre?
Một trò chơi sở hữu nguyên lý đơn giản: Người dùng chỉ việc chạm liên tục vào màn hình để điều khiển chú chim vượt qua các chướng ngại vật là những ống cống màu xanh, tác giả Nguyễn Hà Đông và game Flappy Bird của anh đã thực sự dậy sóng trên báo mạng thời gian qua.
Ngay khi anh tuyên bố xóa ứng dụng nổi tiếng này khỏi hai gian ứng dụng là App Store và Google Play rạng sáng ngày thứ Hai (10/2) thì những lời đồn đoán, phân tích của báo chí trong và ngoài nước vẫn tiếp tục chỉa theo nhiều hướng, dù Hà Đông đã đưa ra lý do: Không chịu nổi sức ép từ dư luận.
Cáo buộc Flappy bird đạo ý tưởng dù không chính thức cũng là bài học cho người trẻ sáng tạo
Có cáo buộc cho rằng, Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông có thể bị kiện do hình ảnh các ống cống này rất giống với hình ảnh trong game Mario của Nintendo – một công ty game khổng lồ của Nhật. Thậm chí, một tài khoản Twitter còn loan tin, Nintendo sẽ đòi Hà Đông bồi thường 6 tỷ đôla tiền vi phạm bản quyền.
Dù sau khi Hà Đông gỡ Flappy Bird, công ty Nintendo đã chính thức lên tiếng bác bỏ về việc hãng này đòi “cha đẻ” của Flappy Bird bồi thường vi phạm bản quyền, thì không thể phủ nhận trước đó, cáo buộc đạo ý tưởng cũng chính là một áp lực mà Nguyễn Hà Đông phải gánh chịu.
Đồ họa những chiếc ống nước màu xanh của Flappy Bird khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của game Mario. Khi thông tin đồn thổi về Flappy Bird vi phạm bản quyền diễn ra, nhiều cư dân mạng còn xuýt xoa, giá như những chiếc ống nước được đổi thành những ống tre thuần Việt. Hà Đông có tiếc như vậy không?
Có lẽ, khó có câu trả lời vì anh đã chọn giải pháp im lặng trước những “sóng gió″ đang dồn dập xung quanh.
Thành công nhưng… “xin kiếu”
Trước đây, có những sản phẩm sáng tạo Việt ít nhiều gây tiếng vang nhưng việc xuất hiện rộng rãi trước công chúng đã gặp trục trặc. Thí dụ, trường hợp phim hoạt hình Dưới bóng cây của nhóm sinh viên trường ĐH Hồng Bàng là một minh chứng.
Nếu không vướng bản quyền nhạc, chú chuột trong Dưới bóng cây có thể “đi xa” hơn với khán giả
Dưới bóng cây có đồ họa đẹp. Câu chuyện đơn giản mà sâu sắc. Lồng tiếng trong trẻo. Kỹ thuật làm phim được xem là hoàn thiện so với mặt bằng chung của phim hoạt hình Việt
Truyền hình đặt vấn đề công chiếu Dưới bóng cây. Nhóm bạn trẻ làm phim rất mừng nhưng đành phải từ chối vì phần nhạc nền trong phim được sử dụng “chùa”. Đáng tiếc, một hạt sạn nhỏ đã hạn chế bao công sức và tâm huyết của cả êkíp.
Tương tự, những đoạn phim được cắt ra từ những tác phẩm điện ảnh và đặt lời – lồng tiếng (parody) của anh chàng Ngô Duy Khiêm (Duy Khiêm Ngố) từng thu hút lượng views theo dõi rất lớn như: Bao Công xử án Tôn Ngộ Không, Cung tâm kế, Quàng trâu công chúa… vẫn chỉ mãi là sản phẩm mua vui thành công dù bao nhãn hàng vẫn muốn “dựa hơi” xuất hiện, trả phí để quảng bá. Tác giả dù muốn nhưng đành phải từ chối vì không muốn dính dáng đến vấn đề bản quyền.
Bài học quý
Sự kiện Flappy Bird cũng như nhiều sản phẩm sáng tạo thành công tạo một niềm tin cho người trẻ Việt về những thể nghiệm của mình có thể mang lại cho chủ nhân lợi ích to lớn về tinh thần cũng như vật chất.
Ranh giới về thành công trong nước và quốc tế hoàn toàn có thể được người trẻ phá bỏ. Họ có thể phút chốc đứng trước nhiều cơ hội thành công. Thế nhưng, lường trước được “bão tố” của biển lớn cũng như chuẩn bị tinh thần đường hoàng khi đứng trên vai “người khổng lồ” là một chuyện hết sức nghiêm túc. Khi người trẻ bắt tay sáng tạo, sự khác biệt, không thể nhầm lẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Nguyễn Hà Đông, sau khi gỡ Flappy Bird, đã trở về yên tĩnh và tiếp tục sáng tạo những game mới. Êkíp Dưới bóng cây cũng đã thành lập công ty làm phim hoạt hình. Tin rằng, những cáo buộc, những áp lực về bản quyền của Flappy Bird, những hạt sạn khiến Dưới bóng cây không thể tiến xa sẽ là bài học để người trẻ tiếp tục sáng tạo và vững vàng trước bão tố trên một thế giới phẳng
Theo Xuân Huy
Sinh viên Việt