Sản phụ kêu la thảm thiết trong túp lều tạm dựng để tự sinh con bên bờ suối, trong khi cái thai đã chết lưu, may mắn nhóm sinh viên tình nguyện bắt gặp, đã giành lại chị từ tay tử thần.
Nửa đêm nhận được tin nhắn của các bạn cùng nhóm từ bản Lòm – bản xa xôi nhất, lạc hậu nhất của xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) chỉ vỏn vẹn mấy chữ: "Gọi ngay bác sĩ vào bản".
Nhóm trưởng nhóm tình nguyện Hope vô cùng hoang mang, không biết chuyện gì đã xảy ra với đồng đội vì sóng điện thoại rất yếu, có khi cả ngày mới nhận được một tin nhắn.
Rạng sáng ngày 23/7, cả nhóm vượt cơn mưa rào, tiến về bản Lòm trong nỗi lo lắng thấp thỏm rằng đồng đội gặp nguy. Vào đến nơi, chưa kịp thở phào vì bạn bè vẫn bình an thì nhóm nhận được tin dữ: một người phụ nữ địa phương đang trong cơn nguy kịch vì sinh con trong tình trạng thai chết lưu.
Vừa đỡ đẻ vừa khóc cạn nước mắt
Trước đó, đêm ngày 22/7, đội tình nguyện số 5 của CLB Hope đã phát hiện sản phụ nói trên đang cố gắng sinh con một mình trong túp lều nhỏ bên bờ suối. Đi từ xa đã nghe tiếng sản phụ kêu la thảm thiết nên nhóm vội vàng chạy lại giúp đỡ. Lúc này, cả nhóm hoàn toàn bị sốc bởi cảnh tượng người phụ nữ tự sinh con đang băng huyết.
Nhận thấy tình huống vô cùng nguy cấp, bạn Nguyễn Thị Hồng Long, sinh viên ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh, một tình nguyện viên của nhóm, đã quyết định phải đỡ đẻ tại chỗ để cứu người. Đồng lòng với Long, các bạn TNV sốt sắng giúp đỡ và báo về cho đồng đội ở bản khác của xã Trọng Hoá tìm bác sĩ.
Dù không có nhiều kinh nghiệm nhưng Long và các TNV đã nỗ lực hết sức để cứu lấy sản phụ.
Vậy là cuộc vật lộn với tử thần để giữ lấy tính mạng người mẹ đã diễn ra trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Các bạn sinh viên tuổi đời còn trẻ chưa bao giờ trải qua một tình huống nguy kịch như vậy nên không thể cầm được nước mắt. Ai nấy đều hoảng sợ vì sản phụ chảy quá nhiều máu, hi vọng cứu sống cứ mong manh dần.
Đặc biệt, áp lực to lớn dồn lên vai cô bạn SV trường Y dược vì cô bạn hiểu rằng nếu không cầm được máu, người phụ nữ sẽ chết. Sức khỏe người mẹ lại quá yếu nên không thể chở bằng xe máy ra bản ngoài. Quanh khu vực bản Lòm cũng không có trạm y tế, muốn cấp cứu phải đi đường rừng mất một ngày.
Do đó, Hồng Long và các bạn chỉ còn cách vận dụng tất cả kiến thức được học và thức trắng đêm cố gắng cầm máu và sơ cứu cho sản phụ.
Đến 2h30' sáng, một thành viên nhóm mới báo về là đã liên lạc được với lực lượng quân y của đồn biên phòng. Tuy nhiên, vẫn phải chờ tới rạng sáng hôm sau, các tình nguyện viên khác của CLB cùng đoàn y bác sĩ mới vào đến nơi vì đường đi hiểm trở và có mưa lớn, nước suối dâng cao.
Qua 70 cây số đường rừng, đoàn y bác sĩ đã đến nơi và cấp cứu kịp thời. Một bác sĩ trong đoàn cho biết: "Thật may có em Long sơ cứu kịp, cầm được máu nên cô ấy mới sống sót. Hiện sản phụ đã qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe còn rất yếu".
Dù đã sống sót nhưng sản phụ không dám ăn thịt mà chỉ ăn cơm, cháo trắng hoặc bồi (món ăn địa phương làm từ ngô xay) với muối. Các tình nguyện viên có thuyết phục thế nào cô cũng không chịu ăn đồ ăn khác, vì sợ trái phong tục.
Bản Lòm, nơi các bạn trẻ nhóm tình nguyện tới hỗ trợ trong mùa Hè này.
Hủ tục chết người vẫn tồn tại tại bản Lòm
Người phụ nữ vừa được cứu sống tên là Hồ Thị Phùng, sống cùng chồng và 9 đứa con tại bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Chị cho biết, những lần sinh con trước đây của chị cũng tiến hành theo phương thức này.
Theo tục lệ địa phương, người phụ nữ khi sinh phải ở một mình trong căn lều bên bờ suối, tự lo ăn uống, sinh nở. Phải đến khi người mẹ đủ sức khỏe tự bế con mới được về nhà. Nếu chẳng may người mẹ chết, đứa con cũng sẽ bị chôn theo.
Ở bản Lòm, ngày thường phụ nữ đi làm nương rẫy, đàn ông ở nhà xay ngô. Người phụ nữ trong gia đình phải gánh vác rất nhiều trọng trách, từ kiếm kế sinh nhai cho tới đẻ con, nuôi con.
Ngoài trường hợp cô Phùng, nhóm tình nguyện Hope còn chứng kiến rất nhiều những mảnh đời phụ nữ khổ cực, bất hạnh tại bản Lòm nói riêng và các bản khác của xã Trọng Hoá nói chung. Một gia đình có chục đứa con của cô Phùng không phải là trường hợp khó gặp, theo như người dân địa phương chia sẻ.
Đáng báo động là không phải đồng bào chưa được phổ biến về các biện pháp tránh thai mà là họ nghĩ rằng sinh nhiều con thì sẽ có nhiều người lao động để kiếm cái ăn hơn. Và có những người còn trả lời rằng: "Đẻ nhiều con sẽ nhận được nhiều gạo hỗ trợ của nhà nước".
Hiện tại, bản Lòm cũng chưa có cơ sở y tế nào, muốn đi khám chữa bệnh phải đi mất một ngày. Người dân tiếc một ngày đi làm nương nên không chịu đi khám khi bệnh mới phát. Để lâu ngày, bệnh nhẹ thành bệnh nặng.
"Hoàn cảnh của người dân ở xã Trọng Hoá vô cùng khốn khó. Chúng em mới chỉ là sinh viên, không đủ sức để giúp bà con thoát khổ đi lên, mong các nhà chức trách sẽ quan tâm tới đồng bào nơi đây hơn nữa", bạn Nguyễn Quỳnh Oanh, thành viên nhóm Hope chia sẻ.
Mai Châm
Theo Dantri