Hiện nay, nền kinh tế đang rơi vào tình trạng kém phát triển, kéo theo nhiều người bị mất việc làm, đặc biệt là những sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc làm cũng như trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có phải nền kinh tế suy thoái là nguyên nhân chính hay không? Có phải tất cả những sinh viên có tấm bằng ưu ra trường đều tìm được cho mình một công việc tốt ngay không? Có phải một sinh viên với học lực khá thì khó xin việc tốt hay không? Dưới đây là một số những nguyên nhân dẫn đến nhiều sinh viên ra trường khó xin được việc, kể cả những sinh viên có tấm bằng ưu, trang bị đầy đủ cho mình những chứng chỉ…
Bị động khi tìm việc
Rất nhiều bạn sinh viên mới ra trường đều có ý dựa hoặc ỷ lại vào bố mẹ, người thân, người quen,…. Nhiều bạn còn hi vọng là các tổ chức, công ty sẽ tự liên hệ với bạn. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng có thể dễ dàng tìm được cho mình một công việc.
Hiện nay, khi nền kinh tế hội nhập quốc tế, sự phát triển của thời đại công nghệ số thì sự năng động, tự tin, cạnh tranh lành mạnh của bạn sẽ được đánh giá cao. Vì vậy, bạn nên chủ động tìm cho mình một công việc, nếu có thể, bạn hãy làm để trau dồi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức để tìm cho mình một công việc tốt hơn khi có cơ hội.
Dựa dẫm thái quá vào mạng Internet
Internet có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm thông tin trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, bạn không nên quá dựa dậm trong việc tìm kiếm việc làm qua mạng Internet.
Nếu bạn muốn tìm cho mình một công việc qua Internet, bạn nên chú ý trong việc viết CV. Bạn cần tạo cho mình một CV đủ để tạo ấn tượng ngay từ đầu cho các nhà tuyển dụng.
Không biết thiết lập mối quan hệ
Tận dụng tối đa những mối quan hệ của bạn, của bố mẹ và người quen, bạn bè,… là một cách tìm việc khá dễ dàng. Nhiều sinh viên xuất thân từ tầng lớp nông dân, công nhân thì yếu tố này cũng thiệt thòi hơn so với những người khác. Tuy nhiên, trong quá trình học tập tại trường đại học, cao đẳng, bạn nên giữ mối quan hệ tốt với bạn bè, thầy cô,… để có cơ hội trong việc tìm việc hơn. Giữ những mối quan hệ đã có, xây dựng những mối quan hệ mới, bạn sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn.
Sơ yếu lý lịch không ấn tượng
Hiện nay, khi mà nền kinh tế ngày càng hội nhập, nền kinh tế tư nhân, đầu tư vốn nước ngoài càng ngày càng phát triển thì bằng cấp không còn là yếu tố quan trọng nữa. Để sơ yếu lý lịch của mình được ấn tượng, ngoài những yếu tố như bằng cấp, khóa học, kinh nghiệm làm việc,… bạn nên bổ sung những kỹ năng “mềm” mà bạn trau dồi được, lý do bạn là ứng cử viên sáng giá cho vị trí đó, những cống hiến bạn có thể đóng góp cho sự phát triển của công ty,…
Lý tưởng hóa công việc
Sinh viên mới ra trường, nhất là những sinh viên có tấm bằng ưu đều hy vọng tìm kiếm những công việc tốt, trong những công ty lớn, nổi tiếng, mức lương hấp dẫn, ở thành phố lớn,… Tuy nhiên, những công việc tốt lại yêu cầu bạn vừa có bằng cấp vừa có kinh nghiệm làm việc và kinh nghiệm sống. Chính vì vậy, bạn không nên kỳ vọng quá cao để rồi không tìm cho mình được công việc trong khi bạn bè đều đã có chỗ đứng trong xã hội.
Bạn nên tìm những công việc của nhân viên bình thường, trong những công ty nhỏ để trau dồi, tích lũy kinh nghiệm, đợi chờ cơ hội làm việc tốt hơn.
Xem thường buổi phỏng vấn
Buổi phỏng vấn rất quan trọng trong việc quyết định bạn được chọn hay không. Nhiều bạn khi đi phỏng vấn không chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết của một buổi phỏng vấn nên dễ dàng bị loại ngay.
Bạn nên chuẩn bị cho mình thật tốt về kiến thức, kỹ năng. Ngoại hình, phong cách ứng xử cũng rất cần thiết. Bạn nên chuẩn bị cho mình bộ trang phục đơn giản mà lịch sự, trang trọng; có hành vi, thái độ lễ phép. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu kỹ về công ty mà bạn đi phỏng vấn để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn quan tâm tới công việc này, quan tâm tới công ty này và tôn trọng những nhà tuyển dụng.
Chúc các bạn sớm tìm cho mình một công việc ổn định!