Sún răng là bệnh làm tiêu dần răng sữa của trẻ thường từ 1 - 3 tuổi. Răng cửa hàm trên hay mắc hơn cả. Bắt đầu là một chấm nâu rồi đen ở mặt ngoài. Răng dần dần mủn và tiêu đi, không đau nhức, chỗ bị sún chỉ nông chứ không sâu như lỗ răng sâu, lâu dần chỉ còn những mỏm răng gần tụt xuống lợi làm chân răng nằm sát với lợi, rất cứng, đen bóng
Tuy không phải là một chứng bệnh gây nguy hiểm cũng như làm ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe, và sự phát triển của trẻ, nhưng chứng sún răng ở trẻ cũng gây ra không ít phiền toái cho bé như làm mất thẩm mỹ, gây khó khăn cho bé trong việc nhai thức ăn và làm bé mất tự tin trước người khác.
1. Nguyên nhân:
- Ăn quá nhiều đồ ngọt
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “sún răng”, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do bé ăn quá nhiều đồ ngọt, các loại thức ăn có hàm lượng đường cao, tính bám dính mạnh nên dễ lên men sinh axit. Lớp men răng và lớp ngà răng của răng sữa tương đối mỏng, độ canxi hóa thấp nên dễ bị sâu và khi đã bị sâu qua lớp men thì tốc độ bệnh tiến triển rất nhanh vì ngà răng kém cứng hơn men răng.
- Bé bị thiếu canxi và flour
Việc chế độ dinh dưỡng của bé bị thiếu canxi và flour khiến cho răng bé bị tổn thương vì canxi là thành phần chính của răng, flour giúp bảo vệ lớp men răng. Nếu thiếu 2 chất này, răng của bé sẽ yếu hơn bình thường và rất dễ bị tổn thương.
- Do dùng thuốc kháng sinh
Trước đây, việc trẻ uống kháng sinh gây sún răng, thậm chí làm xỉn răng ngay cả khi đã trưởng thàn là hiện tượng phổ biến nhưng ngày nay, các bác sỹ kê đơn gần như không bao giờ phạm phải sau lầm này. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chưa có kinh nghiệm, sử dụng các loại thuốc kháng sinh như Tetracycline, Doxycycline khi đang mang thai, làm cho răng bé phát triển không tốt, chất lượng men răng kém, độ cứng không cao, răng dễ bị tổn thương hơn nếu cùng chịu một tác động của yếu tố nguy cơ sâu răng, dễ bị sâu, mẻ, vỡ răng, men răng biến thành màu vàng sẫm.
- Chế độ chăm sóc răng miệng không đúng cách
Việc không vệ sinh răng miệng cho bé thường xuyên, đúng cách khiến vi khuẩn hình thành mảng bám trên bề mặt răng, phá hủy lớp men bảo vệ răng, gây hiện tượng sún răng, sâu răng.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như do cơ địa trẻ, do nguồn nước, do chế độ ăn uống cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng trên ở trẻ.
2. Cách phòng ngừa
Thường thì khi trẻ đã bị sún răng, không có biện pháp nào có thể "kìm hãm" sự ăn mòn của răng được nên tốt hơn hết, ngay từ khi trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên, các mẹ hãy chú ý chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách để phòng tránh hiện tượng này.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt
Luôn tập cho bé thói quen uống nước sau khi ăn. Bạn cũng cần hạn chế việc cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, trái cây, nước uống có ga, đặc biệt là không cho tre ăn vào ban đêm. Nên tập cho trẻ bỏ thói quen bú sữa đêm vì đây là nguyên nhân hàng đầu khiến răng trẻ bị sún và sâu. Nếu trẻ vẫn cần uống sữa đêm để duy trì sự tăng cân thì cần cho trẻ uống nước tráng miệng ngay khi uống để hạn chế ảnh hưởng của đường đến men răng. Ngoài ra, bạn cần chú ý bổ sung chế độ dinh dưỡng giàu canxi và flour để tăng cường sức khỏe răng miệng cho trẻ.
- Vệ sinh răng miệng
Khi răng trẻ đã mọc tương đối đầy đủ (khoảng 2 – 3 tuổi) cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen tự dùng bàn chải đều đặn sau mỗi lần ăn uống với một tí xíu kem đánh răng (chỉ nhỏ bằng hạt đậu) loại dành cho bé. Hãy kiên nhẫn hướng dẫn dần để bé biết cách chải răng, bạn có thể cùng đánh răng với bé, tạo ra không khí vui nhộn với những trò chơi như thi đánh răng đúng cách... để trẻ không cảm thấy sợ hãi khi đánh răng.