Sẽ tốt hơn nếu ngay từ bé người lớn rèn luyện để con trẻ có ý thức và tính tự lập. Nhờ vậy khi trưởng thành, chúng sẽ có khả năng thích nghi nhanh hơn, tốt hơn cũng như có khả năng thành công hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Muốn vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ cần chú ý tới những vấn đề sau.
1. Tạo cơ hội cho bé thể hiện sở thích và sở trường
Đây là cách mà các trường mẫu giáo chuẩn trên thế giới áp dụng cho học sinh của mình. Tăng cường, đa dạng hóa các loại hình vui chơi hàng ngày cho bé sẽ giúp bạn phát hiện ra được đâu là niềm say mê cũng như sở trưởng của bé. Các bé thường có xu hướng bộc lộ tài năng và lòng tự tin với những lĩnh vực yêu thích. Từ đó, bạn sẽ có hướng cho bé được phát triển đúng với sở trường của mình trong tương lai.
2. Cho bé tiếp xúc nhiều hơn
Thực tế đã chứng minh rằng, trẻ có thời gian tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè cùng trang lứa, với họ hàng, thậm chí là với người lạ ở nơi công cộng thường mạnh dạn và tự tin hơn rất nhiều so với những trẻ thường xuyên ở nhà hoặc chỉ ở lớp học. Do vậy, không có lý do gì mà bạn không tạo điều kiện để trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp của mình ngay từ khi còn bé bởi chính trong thời gian này, bé đang hoàn thiện trong kỹ năng giao tiếp và biết cách ứng xử lịch sự.
3. Không bao bọc bé thái quá
Bản năng tự nhiên của cha mẹ là luôn muốn ngăn chặn cảm giác thất bại, bị tổn thương hoặc những tình huống bé dễ bị mắc lỗi. Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng chính điều này đã “giam hãm” cơ hội trưởng thành của con trẻ. Cũng như người lớn, trẻ cần có những trải nghiệm thất bại, buồn bã, lo lắng, giận dữ… để trưởng thành hơn.
Bạn có thể cho bé tham gia những trò chơi có chút mạo hiểm để kích thích tinh thần độc lập, bạn cũng nên thẳng thắn phê bình khi bé mắc khuyết điểm. Tập cho bé có thói quen tự làm những công việc phục vụ nhu cầu cá nhân như đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, vứt rác vào nơi quy định ngay từ nhỏ.
4. Đừng tiếc lời khen
Bạn đừng hiểu lầm khen bé đồng nghĩa với việc chiều chuộng, khiến bé ỉ nại và dựa dẫm vào cha mẹ. Những lời cổ vũ, động viên như "con giỏi lắm", "con có thể làm được mà" là những lời khích lệ có giá trị lớn với bé. Tuy nhiên, mọi sự khen gợi nên có chừng mực và giới hạn để chúng không mang tới kết quả không mong muốn.
5. Đôi khi, hãy cho phép bé tự quyết định
Tất nhiên, khi trẻ còn nhỏ thì bố mẹ sẽ luôn là người quyết định việc bé nên làm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, hãy cho bé được làm điều bé muốn, chơi trò bé thích nếu nó vô hại. Nếu bé thường xuyên được đặt vào tình thế phải lựa chọn, bé sẽ tự tin hơn với kết luận cuối cùng của mình. Mỗi trường hợp cụ thể, bạn nên đưa ra 2-3 gợi ý và để bé chọn; chẳng hạn, thay vì hỏi: “Con muốn ăn gì cho bữa tối”, bạn có thể nói: “Con muốn ăn canh xương, thịt bò xào hay là cá rán trong bữa tối?”.