Tục ngữ Việt Nam có câu "Con không cha như nhà không nóc" để nói về tầm quan trọng của người bố, đặc biệt là sự giáo dục của bố với sự phát triển toàn diện của con. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều ông bố bị mắc những sai lầm điển hình khi dạy dỗ, giáo dục con cái.
1. Quá nóng nảy và sử dụng vũ lực
Bản tính đặc trưng của số đông đàn ông là mạnh mẽ và nóng nảy. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự mạnh mẽ này cũng dùng được để dạy dỗ con trẻ. Bạn có thể quát, mắng khi con mắc lỗi nhưng hãy chắc rằng bạn có khả năng kiểm soát được lời nói cũng như hành động của mình, đôi khi bạn sẽ đánh con vì những lý do không chính đáng. Hãy nhớ rằng bạn đang dạy con chứ không phải thực thi quyền lực với con. Hãy luôn ghi nhớ rằng không bao giờ được phép dạy con khi đang cáu giận. Thay vào đó, hãy dành thời gian tĩnh tâm lại. Khi nào đã cảm thấy thật sự bình tĩnh, hãy thẳng thắn, ôn tồn nói chuyện với con. Khi đó, những lời dạy mới thực sự có sức nặng đối với con cái.
2. Không công bằng
Nếu có một lần bạn cười khi con nói bậy, lần khác bạn lại mắng và áp dụng hình thức kỷ luật, con sẽ không hiểu được thế nào là đúng. Tốt nhất bạn nên đặt ra các quy tắc và cùng con thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc đó. Đừng để xảy ra tình trạng bạn thể hiện hai thái độ khác nhau, hai cách xử lý khác nhau khiến con cảm thấy khó hiểu và không “tâm phục khẩu phục”.
Khi con vô tình làm hỏng một đồ vật gì đó trong nhà, bạn mắng mỏ và đánh đòn sẽ khiến con nghĩ rằng cha mẹ quý đồ vật hơn quý mình, trong khi chính bản thân bạn cũng có lúc vô tình mắc một lỗi tương tự. Bạn chỉ nên nhẹ nhàng nhắc nhở con hãy cẩn thận hơn để tránh sự việc tương tự có thể xảy ra.
3. Không chịu lắng nghe
Người cha thường có thói quen lúc nào cũng chụp mũ cho con kiểu như: “Con luôn là đứa vội vàng, cẩu thả”, “con thật đãng trí, suốt ngày đánh mất đồ…”. Điều đó sẽ khiến con cảm thấy bị tổn thương, sau đó là không "tâm phục" những lời dạy dỗ của bố vì cho rằng bố nói không đúng, Hãy học cách lắng nghe ý kiến của con trước khi mắng mỏ hay buông lời nhận xét.
Khi con làm sai, bạn đừng nói một tràng về lỗi lầm của con cũng như các giá trị mà con cần đạt đến. Chẳng hạn, khi con không làm bài tập về nhà, bạn lên giọng thuyết giảng về các giá trị của giáo dục. Con bạn sẽ không hiểu mục đích cha mẹ nói nhiều vậy để làm gì, và rất dễ nổi cáu. Bạn nên nói chuyện với con theo cách gần gũi, nhẹ nhàng, chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn nhiều.
4. Thiếu sự nhất quán với vợ
Điều quan trọng là cha mẹ phải thống nhất trong cách dạy con. Nếu cứ khi mẹ mắng cha chạy lại bênh (hoặc ngược lại), trẻ sẽ vin vào một điểm tựa mà không biết vâng lời. Chính vì thế đừng bao giờ phê phán cách giáo dục của vợ/chồng trước mặt con hoặc trước mặt mọi người. Nếu có điểm nào chưa thống nhất hãy bàn bạc riêng với nhau. Cũng đừng bao giờ tỏ ý coi thường sự dạy dỗ của người mẹ đối với con vì điều đó sẽ khiến đứa trẻ có những suy nghĩ lệch lạc về vai trò của cha và mẹ trong cuộc sống gia đình.