Thời gian gần đây, thuốc hạ sốt nhét hậu môn bắt đầu được các bậc phụ huynh “tin” dùng cho trẻ em vì đặc tính hạ sốt nhanh, không lo trẻ không hợp tác hoặc trớ, ói và không ảnh hưởng dạ dày. Tuy nhiên mức độ lợi hại thế nào khi dùng loai thuốc này thì các phụ huynh nên cân nhắc kỹ.
Sở dĩ các bà mẹ có suy nghĩ trên vì cho rằng khi nhét hậu môn thuốc sẽ tác dụng nhanh hơn, hạ sốt kịp thời hơn. Thuốc không đi vào bằng đường uống nên sẽ không gây hại cho dạ dày của trẻ, cũng không lo trẻ nôn, trớ thuốc sẽ bị đưa ra ngoài. Suy nghĩ trên không hẳn là sai nhưng cùng với những ưu điểm trên, thuốc nhét hậu môn hạ sôt cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ khác không hẳn đã an toàn cho trẻ. Thậm chí nếu lạm dụng thuốc trẻ sẽ gặp nguy hiểm do những tác dụng phụ của thuốc gây nên
Nhiều bà mẹ chọn giải pháp dùng thuốc đặt hậu môn khi con không chịu uống thuốc
Khi dùng nhiều thuốc đặt hậu môn, các tác dụng phụ có thể gặp là ngộ độc do quá liều, kích thích tại chỗ, dùng lâu ngày có thể gây viêm trực tràng. Đơn cử như trường hợp của bé Thanh Bình, 3 tuổi, con chị Phương ở Đống Đa, Hà Nội. Ngay từ nhỏ bé đã không chịu hợp tác với mẹ trong việc uống thuốc. Cứ mỗi lần mẹ cho uống thuốc là bé lại khóc ngặt, nôn ói hết ra ngoài. Do không uống thuốc nên mỗi lần bé Bình bị sốt, để hạ sốt, mẹ bé chuyển sang dùng thuốc đặt hậu môn cho con. Thời gian đầu chỉ cần đặt 1 - 2 lần là khỏi, tuy nhiên lâu dần nhờn thuốc phải phải đặt mấy ngày liền mới cắt được cơn sốt. Lần sốt cao gần đây nhất, chị Phương đã phải dùng thuốc hàm lượng cao đặt cho con nhưng con vẫn sốt kèm theo đi ngoài ra máu. Đưa con đi viện khám, bác sĩ kết luận bé bị viêm trực tràng.
Chỉ sử dụng thuốc đặt hậu môn cho trẻ khi thực sự cần thiết
Nhiều trẻ, khi được dùng thuốc nhét hậu môn còn bị hiện tượng tiêu chảy. Mà khi trẻ bị tiêu chảy đồng thời với việc thuốc vừa được đặt vào lại bị đào thải ra ngay, sẽ không có tác dụng. Nhiều trường hợp bố mẹ cho con nhỏ dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn, hạ được sốt thì trẻ lại phải đi viện để chữa thêm bệnh tiêu chảy.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thì khi trẻ bị sốt không nên lạm dụng thuốc nhét hậu môn vì thuốc có thể gây tác dụng phụ. Tốt nhất đo nhiệt độ chính xác rồi cho trẻ uống thuốc hàm lượng phù hợp, đủ liều lượng, trường hợp bất đắc dĩ mới phải đặt thuốc nhưng cũng chỉ nên đặt vài lần. Nếu đặt thuốc hậu môn cho trẻ vài ngày mà trẻ có triệu chứng đi ngoài thì cần dừng ngay. Bởi đặt thuốc trong trạng thái trẻ đi ngoài thuốc sẽ không có tác dụng do thuốc bị đào thải ngay ra ngoài, thậm chí còn có nguy cơ gây ngộ độc, kích thích tại chỗ.
Nên tham kháo ý kiến của bác sĩ trong việc chọn các hạ sốt cho tre
Từ những phân tích trên, các bậc phụ huynh nên lưu ý là thuốc hạ sốt đặt hậu môn chỉ nên dùng đối với trẻ nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà không muốn đánh thức trẻ dậy thì có thể dùng thuốc nhét hậu môn.
Tuy nhiên, hoàn toàn không nên lạm dụng thuốc đặt hậu môn vì có thể gây tác dụng phụ như ngộ độc do quá liều, kích thích tại chỗ, dùng lâu ngày có thể gây viêm trực tràng. Vì thế, nên uống thuốc thay thế đặt càng sớm càng tốt cho sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, không dùng thuốc hạ sốt đặc hậu môn khi trẻ bị dị ứng paracetamol, có bệnh nặng ở gan, bị viêm hậu môn, chảy máu trực tràng, bị tiêu chảy.
Đặc biệt, phụ huynh không nên cho trẻ uống thêm thuốc hoặc vừa uống thuốc vừa đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn trẻ. Việc làm này sẽ gây quá liều, ảnh hưởng đến sức khỏe và không an toàn cho trẻ.