Ở miền Bắc, năm nào cũng có những thời điểm thời tiết nồm ẩm - một loại thời tiết đặc thù của mùa xuân – gây bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây khó khăn cho quá trình giặt giũ và bảo quản quần áo.
Để quần áo luôn được sạch sẽ và thơm tho, không bị ố mốc, ngoài việc chăm chỉ giặt giũ, chị em cũng cần lưu ý đến những vấn đề sau trong các công đoạn giặt và bảo quản quần áo.
1. Lưu ý khi giặt
- Nên giặt quần áo vào sáng sớm: Nếu thời tiết nắng ráo hoặc hanh khô thì không vấn đề gì, nhưng nếu thời tiết cứ ẩm ướt và ngày thì thời điểm giặt quần áo tốt nhất là vào sáng sớm bởi làm như vậy quần áo sẽ có thời gian khô trong ngày. Buổi sáng thường thì trời cũng ít mưa hơn nên quần áo sẽ nhanh khô và đỡ bị ẩm ướt.
- Nên dùng nước xả vải: Nước xả vải không chỉ giúp quần áo có mùi thơm mà còn giúp quần áo mềm và xốp hơn, nhanh thoát nước hơn. Nhờ vậy quần áo của bạn được thơm tho, sạch sẽ và nhanh khô hơn.
- Giặt lượng quần áo vừa phải: Hãy căn cứ vào không gian phơi và khối lượng giặt cho phép để giặt hợp lý, tránh việc giặt quá nhiều, quần áo không những không thể khô được mà còn bốc mùi hôi. Khi giặt những mẻ nhỏ, bạn sẽ có ít quần áo cần phải sấy hơn, vì vậy quá trình sấy khô sẽ trở nên nhanh và dễ dàng hơn.
- Phân loại quần áo khi giặt: Bình thường, bạn có thể giặt chung các loại quần áo, khăn tắm, tất cùng với nhau nhưng khi trời ẩm ướt, bạn nên phân loại chúng ra, giặt riêng cùng loại để tránh việc chúng bị lẫn mùi của nhau, giặt không sạch khiến việc phơi cũng như bảo quản bị ảnh hưởng bởi bản thân chúng dễ bị bốc mùi hôi nếu giặt chung như thế.
2. Lưu ý khi phơi, sấy
- Phơi quần áo nơi có nắng và thoáng gió: Tốt nhất là phơi quần áo nơi có gió, nắng bởi ánh nắng và gió tự nhiên sẽ làm quần áo nhanh khô và thơm tho hơn. Nên phơi quần áo thưa, vắt kiệt nước để quần áo đỡ mất thời gian nhỏ và bay hơi nước.
- Chuẩn bị chỗ phơi quần áo có mái che: Mùa nồm, gia đình nào cũng nên dự phòng một chỗ phơi quần áo trong nhà để đề phòng trời mưa. Tốt nhất là vị trí đó nên ở trên cao, thông thoáng vì ở độ cao nhất định, gió sẽ nhiều hơn, độ ẩm không khí thấp hơn thay vì phơi dưới thấp vì quần áo khó khô, thậm chí còn bị ám mùi và bốc mùi hôi.
- Sấy quần áo khi cần thiết: Nếu mưa gió kéo dài hoặc nhà bạn thiếu không gian phơi, quần áo cũ chưa kịp khô đã phải giặt quần áo mới, bạn cần phải tính đến phương án sấy quần áo. Nếu nhà có nhiều người hoặc có trẻ em nên lượng quần áo sấy nhiều, bạn có thể trang bị cho gia đình mình một chiếc máy sấy. Nếu lượng quần áo ít hơn, bạn có thể dùng máy sấy tóc hoặc bàn là để làm khô quần áo trong trường hợp cần thiết.
- Sử dụng bàn là đối với đồ lót và trang phục dễ nhăn: Đối với đồ lót, việc bị ẩm ướt sẽ khiến vi khuẩn dễ trú ngụ và sinh sôi, dễ gây bệnh cho người mặc. Việc ủi quần áo sẽ không chỉ giúp trang phục đẹp đẽ, thẳng thớm hơn, mà còn giúp loại bỏ những vi khuẩn còn sót lại trên quần áo và giúp quần áo có mùi thơm hơn, sạch sẽ, mát mẻ hơn.
3. Bảo quản quần áo
- Chỉ cất quần áo khi quần áo đã thực sự khô bởi việc cất quần áo còn ẩm vào trong tủ, lâu ngày không mặc, cũng không giặt đến sẽ khiến quần áo bị mốc và bốc mùi hôi. Nếu quần áo không thể khô bằng cách phơi tự nhiên, bạn cần chọn giải pháp sấy hoặc là để quần áo khô hẳn rồi mới cất đi.
- Đối với quần áo, chăn màn chưa sử dụng đến, bạn nên cho vào túi nilon, buộc kín để tránh ẩm, chống lại mùi hôi và hạn chế nấm mốc có thể sinh sôi.
- Sử dụng thuốc chống ẩm: Khi ăn bánh kẹo hoặc sử dụng các sản phẩm có túi chống ẩm bên trong, bạn nên giữ lại các túi đó để vào tủ quần áo, chúng sẽ giúp bạn hạn chế được độ ẩm, ảnh hưởng không tốt đến việc bảo quản quần áo.
- Cất quần áo và khăn ở nơi sạch sẽ, khô ráo, dịch chuyển tủ quần áo ra xa khỏi chỗ xuất hiện nấm mốc.